Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ đang tiến hành điều tra về toàn ngành gỗ Việt theo Điều khoản 301. Điều tra này một phần dựa trên cáo buộc rằng có tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng vào ngành gỗ Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Quy mô dự án đầu tư nhỏ
Theo báo cáo từ Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội Gỗ, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2020, các dự án đầu tư FDI vào ngành gỗ giảm cả về số lượng và vốn đầu tư. Có tổng số 63 dự án FDI đầu tư vào ngành năm 2020 với tổng vốn đầu tư 372,68 triệu USD đến từ 14 quốc gia.Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào ngành gỗ.
Vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ giảm nhưng không có nghĩa là những rủi ro, nguy cơ đầu tư chui, đầu tư núp bóng... đã được ngăn chặn. Báo cáo trên phân tích năm 2020, Trung Quốc có 23 dự án với vốn đầu tư 52,23 triệu USD, chiếm 37% về số dự án nhưng chỉ chiếm 14% về tổng vốn đầu tư. Trong 23 dự án này có 17 dự án về chế tác gỗ (gồm các sản phẩm: sofa, tủ nhà tắm, giường, tủ...) với vốn đầu tư 40,38 triệu USD; 6 dự án liên quan tới phụ liệu ngành gỗ, bọc đệm, da công cụ... với tổng vốn đầu tư 11,81 triệu USD.
Đầu tư FDI vào ngành gỗ từ 2015-2020. |
Hồng Kông có 11 dự án mới, số vốn đầu tư 126,34 triệu USD, chiếm 17% về số dự án, 34% về tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) có 6 dự án mới, số vốn đầu tư là 36,03 triệu USD, chiếm 10% về số dự án và số vốn đầu tư.
Năm 2020, quy mô vốn bình quân của mỗi dự án FDI khoảng 5,91 triệu USD/1 dự án. Trung Quốc có số dự án đầu tư lớn gồm 23 dự án nhưng mức đầu tư cho mỗi dự án chỉ khoảng 2,27 triệu USD, giảm 37% so với năm 2019 (trung bình 3,62 triệu USD/dự án).
Năm 2020, số các dự án góp vốn mua cổ phần đạt 122 lượt góp với vốn góp 244,8 triệu USD. So với 2019, số lượt các dự án góp vốn mua cổ phần giảm 57% về lượt góp và 23% về vốn góp.
Nhật Bản là quốc gia có mức vốn góp mua cổ phần cao, đạt 29,85 triệu USD/lượt. Nguyên nhân là do có một dự án với quy mô mua cổ phần lên tới 147,39 triệu USD, chiếm tới 60% tổng lượng vốn góp vào ngành gỗ trong năm 2020. Các quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc có số lượt góp vốn cao. Tuy nhiên, quy mô mỗi lượt chỉ đạt dưới 1 triệu USD...
Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Theo báo cáo tổng quan xuất khẩu ngành gỗ, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2020 lên tới 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong cả nước. Điều này có nghĩa rằng biến động từ thị trường này sẽ có tác động đến toàn ngành, ảnh hưởng đến các mục tiêu mà ngành đặt ra.
Thực tế, ông Phúc nhìn nhận, một số hoạt động đầu tư FDI trong các dự án mới, dự án tăng vốn mua cổ phần... tập trung vào các mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, ghế sofa và bộ phận của ghế sofa. Đây là các mặt hàng chứa đựng các yếu tố rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ.
Cần kiểm soát chặt
Trước tình trạng trên, trong tháng 2 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành nhằm kêu gọi kiểm soát chặt chẽ đối với các hành vi chống gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ. Văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh thành kiểm tra các dự án đầu tư FDI để giảm rủi ro trong gian lận xuất xứ, ưa tiên lựa chọn các dự án có tính vượt trội về công nghệ, tham vấn với các hiệp hội gỗ về các dự án đầu tư, xem xét kỹ các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng có yếu tố rủi ro gian lận.
Ông Phúc cho rằng, để thực hiện hiệu quả kêu gọi này đòi hỏi các tỉnh cần có sự quan tâm thích đáng tới các hoạt động đầu tư FDI tại địa phương mình, thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát, với sự tham gia của các bên liên quan. Trong bối cảnh này, phối hợp với hiệp hội quốc gia và các hiệp hội địa phương, các doanh nghiệp nội địa cũng như các doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính có vai trò then chốt để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra giám sát, nhằm loại bỏ rủi ro về đầu tư chui, đầu tư núp bóng trong đầu tư FDI vào ngành.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển đánh giá việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng thuế suất 0%. Đây là nguy cơ cực kỳ lớn, nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm lần.
Do vậy, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng cho rằng, tính vượt trội của các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động tại Việt Nam cũng cần được tổng kết và tạo hiệu ứng lan tỏa trong ngành. Theo đó, cần chuyển đổi 2 khối FDI và doanh nghiệp nội địa thành một thực thể thống nhất thông qua các cơ chế, chính sách mới sẽ góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa tiệm cận gần hơn đối với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, tạo một thực thể thống nhất cũng sẽ góp phần định vị và giảm thiểu các rủi ro trong các hoạt động đầu tư FDI. Điều này sẽ góp phần phát triển bền vững ngành gỗ Việt trong tương lai.
Từ câu chuyện của ngành gỗ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhìn nhận đây là vấn đề đã được cảnh báo từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Trong bối cảnh là nước xuất siêu sang Mỹ, Việt Nam sẽ dễ bị nghi ngờ làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc nhằm né thuế xuất sang Mỹ.
Thậm chí, không chỉ Trung Quốc, Việt Nam còn bị nghi ngờ làm điểm trung chuyển cho cả hàng hóa từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... "Nếu không có giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm tình trạng này thì chính mình sẽ làm mất tín nhiệm với thị trường lớn, bạn hàng lớn như Mỹ", bà Lan cảnh báo.
Thy Lê