Nhóm nghiên cứu của Forest Trends và các Hiệp hội gỗ vừa công bố Báo cáo Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng 2020 và xu hướng phát triển.
Doanh nghiệp FDI đã vượt xa doanh nghiệp nội địa về quy mô xuất khẩu (Ảnh minh họa: Int) |
Trong khâu đầu tư nước ngoài, đại dịch làm thu hẹp quy mô đầu tư cả về khía cạnh các dự án mới, số vốn đăng ký và số lượt góp vốn mua cổ phần. Đại dịch tác động đến các khâu sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp khối FDI, làm đứt gãy chuỗi cung, ngưng trệ sản xuất, cản trở xuất khẩu.
Tuy nhiên, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kết quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư FDI vào ngành gỗ đến hết năm 2020 cho thấy sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp FDI. Tính đến hết năm, ngành nhận được 63 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 327,7 triệu USD, 52 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 193,6 triệu USD, 122 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn đạt 244,8 triệu USD.
Mặc dù các con số này đều thấp hơn các con số của năm 2019 nhưng tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của ngành gỗ trong các hoạt động đầu tư FDI. Các con số của năm 2020 và của các năm trước đó cho thấy ngành gỗ sẽ tiếp tục là một địa chỉ tích cực về thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguồn vốn đầu tư FDI chủ yếu từ các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Singapore, chủ yếu tập trung vào các tỉnh Đông Nam Bộ. Vốn đầu tư trung bình mỗi dự án nhỏ, và các hoạt động đầu tư tập trung vào sản xuất các sản phẩm gỗ như bàn ghế, giường, tủ, bàn ghế sofa, tủ bếp, gỗ dán... là các đặc điểm chính của các hoạt động đầu tư FDI vào ngành năm 2020. Các đặc điểm này tương đồng với năm 2019.
Cũng giống như năm 2019, xuất khẩu của các doanh nghiệp khối FDI năm 2020 tiếp tục thể hiện tính vượt trội so với khối các doanh nghiệp nội địa. Khối FDI có 653 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu, chiếm 18% tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
So sánh với con số 2.676 doanh nghiệp và 5,9 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa cho thấy các doanh nghiệp FDI đã vượt xa về quy mô xuất khẩu.
Báo cáo đánh giá, sự vượt trội này có thể là do sự khác biệt về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và quản lý, quy mô vốn đầu tư, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp nội địa. Cho đến nay, chưa có đánh giá hoặc nghiên cứu nào nhìn vào các khía cạnh này. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có những nghiên cứu, nhằm nắm bắt thông tin về các yếu tố tạo ra sự vượt trội và chia sẻ với khối doanh nghiệp nội địa.
Nhóm nghiên cứu của Forest Trends và các Hiệp hội gỗ cảnh báo đầu tư chui, đầu tư núp bóng mang lại những rủi ro rất lớn cho ngành. Tình trạng này nếu không được kiểm soát chặt sẽ có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho toàn ngành trong tương lai.
Lê Thúy