Tuần trước, Loship (một Startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ tại Việt Nam) cho biết, công ty này đã nhận khoản đầu tư mới nhất từ nhà đồng sáng lập phần mềm Skype là Jaan Tallinn, thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.
Hứa hẹn tăng trưởng tốt
Với quy mô hoạt động hiện tại gồm hơn 70 nghìn tài xế và 20 nghìn đối tác cửa hàng phục vụ gần 2 triệu khách hàng tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, bằng chính mô hình kinh doanh, tiềm năng phát triển thì đây là Startup đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á được nhà đầu tư danh tiếng nêu trên rót vốn.
Mảng giao hàng trực tuyến năm 2021 vẫn hứa hẹn tăng trưởng tốt trước những thay đổi xu hướng mua sắm. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Tổng giám đốc của công ty giao hàng này, cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn trong tương lai. Nguồn vốn vừa rót vào sẽ giúp cho công ty nâng cấp ứng dụng và kỹ thuật công nghệ, tăng cường các chiến lược tiếp thị truyền thông để củng cố vị trí tại thị trường nội địa.
Ông Trung cũng không giấu tham vọng đưa doanh nghiệp (DN) của mình trở thành công ty thương mại điện tử (TMĐT) giao hàng trong 1 giờ đầu tại Việt Nam.
Có thể nói, việc rót vốn nêu trên đang khẳng định niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào triển vọng sáng của các công ty giao hàng trực tuyến tại Việt Nam, vốn đã chứng tỏ khả năng thích ứng và phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19.
Như chia sẻ khi ra quyết định đầu tư của ông Jaan Tallin là vì thấy tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này tại Việt Nam và Đông Nam Á rất hứa hẹn, nơi đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất tốt.
Theo nhận định từ giới phân tích, ở Việt Nam ngày càng nhiều Startup giao hàng có định hướng phục vụ TMĐT đã tham gia vào thị trường trong 3 năm trở lại đây.
Bằng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư, những Startup giao hàng này đang cố gắng phát triển nhanh nhất có thể. Thậm chí họ còn sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy việc giành thị phần.
Điều này dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng cao đối với dịch vụ giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng (vốn có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến). Tuy vậy, dư địa tăng trưởng ở mảng kinh doanh giao hàng trực tuyến được cho là vẫn khá lớn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Vấn đề đối với những công ty Startups này là duy trì hiệu quả chi phí trong khi vẫn phải đảm bảo giá cả cạnh tranh khi nhân rộng hoạt động để tiếp cận khách hàng ở nông thôn.
Theo đánh giá mới đây từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thì một trong những yếu tố chính khiến mảng giao hàng trực tuyến trở nên phổ biến ở Việt Nam là chi phí giá rẻ. Gánh nặng chi phí cho việc vận chuyển ở mảng này tương đối thấp, giúp giảm thiểu các chi phí bổ sung cho người tiêu dùng.
“Ăn theo” xu hướng mua sắm mới
Mặc dù thị trường giao nhận ở trong nước đã chịu tác động của dịch Covid-19 từ hồi năm ngoái cho đến nay (doanh thu của nhiều DN cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa bị giảm sút nhiều, khoảng 20-50%). Dự báo cho thấy quy mô thị trường giao hàng trực tuyến sẽ tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2025, từ 1,1 tỷ USD của năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, năm ngoái trong khi một số nơi các hoạt động Logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như Logistics phục vụ TMĐT lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn hàng giao hàng tại nhà tăng đột biến.
Nhìn vào những thay đổi hiện tại trong xu hướng tiêu dùng mới tại Tp.HCM và Hà Nội sẽ thấy rõ “cửa” sáng của giao hàng trực tuyến. Chẳng hạn như ở phân khúc giao đồ ăn, theo khảo sát trong tháng 2/2021 của Q&Me thì 51% người tiêu dùng ở Tp.HCM và Hà Nội đã dùng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.
Các đợt khuyến mãi mạnh cũng là yếu tố kích thích người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các dịch vụ mới có tính tiện ích hơn, và họ đã nhận ra sự tiện lợi của việc đặt hàng và giao hàng trực tuyến. Và trong dịch Covid-19 đợt 3, những người ở nhà càng tăng tốc sử dụng dịch vụ này.
Giới chuyên gia cho rằng các thách thức từ dịch bệnh Covid-19 đợt 3 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực Logistics và giao hàng trực tuyến sẽ trở thành một trong những xu hướng chính vào thời gian tới. Các tác nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị sẽ ưu tiên nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách đầu tư vào công nghệ.
Điều quan trọng là xu hướng mua sắm mới vì Covid-19 giúp cho TMĐT nở rộ là một yếu tố đáng chú ý giúp thị trường giao nhận hàng phục vụ TMĐT phát triển mạnh.
Theo đó, hành vi mua hàng mới và kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi với những yêu cầu cao hơn về hàng nhanh, miễn phí giao hàng với cước ngắn, giá cả cạnh tranh và “Logistics thu hồi” thuận tiện.
Điểm lưu ý là với lịch trình giao hàng trực tuyến có tính khắt khe sẽ thách thức các mô hình chuỗi cung ứng và Logisitcs truyền thống, buộc các công ty hiện phải điều chỉnh chiến lược của mình để cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu với chi phí thấp.
Thế Vinh