Ông Lê Quốc Hạnh, giám đốc một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và phân phối mặt hàng cơ khí chế tạo ở quận 12 (Tp.HCM) cho biết, giữa giai đoạn dịch bệnh dẫn đến hàng hoá ách tắc, điều mong mỏi của các DN xuất nhập khẩu hàng hoá là cần có chính sách hỗ trợ chi phí lưu container tại cảng.
Mong mỏi giảm phí
Theo ông Hạnh, công ty của ông có container hàng cơ khí nhập khẩu bị lưu container hơn một tháng nay không thể lấy hàng về được vì khu vực công ty bị phong toả do dịch bệnh nên xe hàng không vào được.
“Tình trạng phong toả vẫn còn kéo dài, và chi phí lưu container sẽ còn tăng hơn nữa. Cho nên, chúng tôi rất mong sớm có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí này”, ông Hạnh nói.
Các chi phí lưu container, lưu kho, lưu bãi đang là áp lực lực với các DN vốn đang chịu tác động của dịch Covid-19 đợt 4. |
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - nhân viên phụ trách công việc nhập khẩu của một công ty phân phối phụ tùng ô tô ở quận Bình Tân (Tp.HCM), áp lực chi phí lưu kho, lưu container đang là thách thức lớn cho DN trong thời điểm này.
Bà Hương cho biết, khi hàng hóa nhập khẩu vào cảng, thường các hãng tàu sẽ cho chủ hàng lưu container miễn phí 5 ngày tại cảng và 3 ngày tại kho riêng. Cảng sẽ cho chủ hàng lưu container miễn phí 3 ngày tại bãi.
“Nếu vượt quá số ngày quy định trên, chủ hàng sẽ phải trả thêm phí DEM (phí lưu container tại bãi của cảng mà hãng tàu thu của chủ hàng) và STORAGE (phí lưu bãi của cảng, được thu theo biểu giá đã được quy định khi container còn nằm trong phạm vi bãi cảng và ngoài thời hạn miễn phí cho phép)”, bà Hương nói.
Theo chia sẻ của bà Hương, giữa thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, công ty đang tạm ngừng hoạt động, nếu không lấy hàng thì phải đóng phí lưu container, lưu bãi với rất cao. Mà đi thuê kho để kéo hàng về thì chi phí cũng không nhỏ. Đó là khó khăn lớn nhất mà nhiều DN đang cùng cảnh ngộ.
Chính vì vậy, các DN đang rất quan tâm đến động thái mới đây của Bộ Công Thương khi đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển, các DN vận tải biển và trung tâm logistics trên toàn quốc xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các DN bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lưu ý, để tránh bị thiệt hại từ việc phát sinh các khoản chi phí lưu container, lưu kho, lưu bãi tại cảng và các phụ phí khác, các DN nên dự trù đến các khoản chi phí này để tính vào giá bán của hàng hóa nhằm chào giá cho phù hợp.
Đơn cử như chi phí COD (Change of Destination) - phụ phí thay đổi nơi đến, là phụ phí hãng tàu thu để bù đắp các chi phí phát sinh trong trường hợp chủ hàng yêu cầu thay đổi cảng đích, chẳng hạn: phí xếp dỡ, phí đảo chuyển, phí lưu container, vận chuyển đường bộ…
Vẫn lo phụ phí phát sinh
Nêu ra vấn đề này là vì trước tình hình ách tắc ở cảng Cát Lái (Tp.HCM), các DN cũng đang lo lắng về các chi phí, phụ phí phát sinh khi di dời container sang các cảng ICD (cảng cạn) ở khu vực lân cận.
Vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có đề nghị các hãng tàu hỗ trợ DN xuất nhập khẩu điều chỉnh thông tin cảng Cát Lái (cảng đích) về cảng Cái Mép ở Bà Rịa - Vũng Tàu (đối với tàu ở các cảng khu vực Cái Mép), Hiệp Phước (tại Tp.HCM đối với tàu ở Tân Cảng Hiệp Phước).
Điều này nhằm giúp DN thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định đối với lô hàng nhập khẩu đang vận chuyển trên tàu biển chưa dỡ xuống cảng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã dỡ xuống cảng đang chờ xếp lên phương tiện vận chuyển về cảng Cát Lái.
Phía Cục Hàng hải Việt Nam cũng mong các hãng tàu cần xem xét không thu phí phát sinh nếu có do việc điều chỉnh thông tin này.
Những đánh giá mới đây cho thấy, dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ chỉ còn khoảng tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng Cát Lái. Do đó, nguy cơ ùn ứ ở cảng Cát Lái cũng là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này.
Vì vậy, cùng với việc ùn ứ tại các cảng chính là việc phát sinh các chi phí về lưu container, lưu kho, lưu bãi và các phụ phí khác, trong khi nhiều DN vẫn đang tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 và chưa rõ ngày hoạt động trở lại.
Để khôi phục chuỗi cung ứng giữa đại dịch, việc giảm chi phí logistics cho các DN cũng là điều mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) lưu tâm.
Một trong những giải pháp được VLA đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ mới đây chính là việc không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các DN sản xuất, xuất nhập khẩu ở Việt Nam đang yêu cầu được giải quyết.
Ngoài ra, theo VLA, Cục Hàng hải cần phát huy vai trò điều tiết giữa các khu vực cảng biển để đảm bảo hàng hoá được lưu thông thuận lợi hơn.
Về phía Bộ Công Thương, song song với việc đề nghị giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi hàng hoá cho DN, cũng đã có đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển cần nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu trong lúc khó khăn này.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |