Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2021), được tổ chức chiều ngày 12/11, các chuyên gia đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện thông suốt, thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp phục hồi trên toàn quốc cần có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam/Lào đánh giá, Việt Nam đã gặp phải sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do Covid-19, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động, khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, điều này sẽ giúp các “khát vọng” về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được.
![]() |
Theo các chuyên gia, để có thêm 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giảm thêm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. (Ảnh minh hoạ: Int) |
GS. Lisa Magnani, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Macquarie, Australia đánh giá: 96% số doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và những doanh nghiệp này đang phải đối diện với những thách thức lớn: đó là phải cạnh tranh với các sản phẩm thay thế nhập khẩu do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, phải cạnh tranh với các DNVVN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng đã sửa đổi và nâng cấp chính sách DNVVN của mình, chẳng hạn như ban hành Luật Hỗ trợ DNVVN để tăng cường khu vực tư nhân trong nước. Hay như Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chương trình khuyến khích đầu tư vào nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVVN, từ nâng cấp và đổi mới công nghệ đến phát triển thị trường, đào tạo, nâng cao kỹ năng cũng như các gói tài chính...
"Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ tỷ lệ đóng cửa sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể", Giáo sư Lisa Magnani nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ tạm thời hiện nay như “quả bom hẹn giờ” tiềm ẩn nguy cơ thất bại cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN khi chính sách hết hiệu lực vì các doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế bởi tiềm lực tài chính mỏng, khả năng tiếp cận tài chính hạn chế nhưng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn hơn và cả doanh nghiệp nước ngoài. Lại thêm thách thức, khó khăn vì hội nhập trong các phương thức sản xuất toàn cầu, kỹ năng của lao động cũng nhiều hạn chế...
Do đó, để phục hồi vững chắc, chính sách của Chính phủ phải đủ mạnh và không chỉ cứu để doanh nghiệp tồn tại mà còn cần hỗ trợ để doanh nghiệp tận dụng cơ hội này bứt lên mạnh hơn.
Đưa ra chính sách cụ thể, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị về chính sách tiền tệ, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022, theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
"Chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế", nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá.
Bên cạnh đó, NHNN cần nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng đó. Tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở zoom tín dụng.
Theo các chuyên gia việc giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Do đó, NHNN chỉ đạo và giám sát các TCTD tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh...
Về chính sách tài khoá, các chuyên gia cho rằng, có chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Đồng thời, gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về chậm nộp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội…
Thanh Hoa