Báo cáo được thực hiện bởi Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho thấy, có 4 thách thức chính đe dọa sự ổn định và hiệu quả hoạt động của cảng Cát Lái.
Mối lo từ những thách thức lớn
Thứ nhất là ùn tắc giao thông quanh cảng. Trung bình có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cát Lái mỗi ngày. Xe tải có thể phải chờ từ 2 - 3 giờ trước khi tới cổng, gây ùn tắc giao thông dọc các tuyến đường dẫn vào cảng. Nếu xếp thành một hàng, 16.400 xe tải đến cảng hàng ngày sẽ trải dài tới 322 km.
Khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của Covid-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên. |
Thứ hai là vấn đề về hải quan tại cảng Cát Lái. Việc tăng gấp đôi khối lượng container dự kiến vào năm 2030 sẽ gây sức ép lên hệ thống trừ khi tiến hành các hành động ngay bây giờ để hợp lý hóa tất cả các hoạt động nghiệp vụ Hải quan.
Những bất cập hiện hành là: Hệ thống xử lý trước khi hàng đến không đầy đủ; chậm trễ thanh toán cho hãng tàu; những lĩnh vực phải sử dụng cả quy trình điện tử và thủ công…
Thứ ba là việc thu hẹp khoảng cách số tại cảng Cát Lái. Cộng đồng thương mại sử dụng một số hệ thống công nghệ thông tin kế thừa để hỗ trợ cho việc xử lý hàng hóa, nhưng các hệ thống này không đáng tin cậy như mong muốn và vẫn phải tiếp tục sử dụng chứng từ giấy và nhập lại dữ liệu.
Thứ tư là vấn đề thương mại tăng, kích thước tàu lớn hơn. Những thách thức do tăng trưởng thương mại được dự đoán cho toàn bộ khu vực cũng như sự chuyển dịch thương mại nội châu Á hướng tới việc sử dụng các tàu lớn hơn vượt quá khả năng tiếp nhận của cảng Cát Lái. Cả hai yếu tố này sẽ làm tăng lưu lượng container và sà lan, có khả năng gây quá tải cho cảng và hệ thống xung quanh.
Chia sẻ tại hội thảo tổ chức ở Tp.HCM ngày 19/5 để bàn về các hoạt động nhằm giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhấn mạnh khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của Covid-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên nhằm góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Liên quan đến vấn đề hải quan, giới chuyên gia lưu ý việc thiếu hệ thống xử lý trước khi hàng đến (PAP) hiệu quả tại cảng Cát Lái là một trở ngại cho quá trình xử lý thủ tục hải quan nhanh chóng và thuận lợi.
Phản hồi từ các doanh nghiệp (DN) cho thấy mặc dù có cơ chế cho các nhà nhập khẩu nộp tờ khai trong vòng 15 ngày trước khi hàng đến, nhưng DN không có lợi ích về mặt logistics khi sử dụng thủ tục này do sự thiếu phối hợp giữa Hải quan Tp.HCM và DN kinh doanh khai thác cảng.
Thực tế tại cảng, container đã thông quan trước bị để lẫn với các container khác và do đó được xếp ngẫu nhiên vào chồng container khi được đưa ra khỏi tàu. Một khi công ty giao nhận vận tải có thể lấy container để đưa ra khỏi cảng, quá trình này không nhanh hơn nhiều so với việc chỉ bắt đầu các thủ tục thông quan khi tàu đến.
Ưu tiên giải quyết ùn tắc
Mặt khác, cảng Cát Lái phải đối mặt với những thách thức cận kề có thể dẫn tới tình trạng bị quá tải và làm suy giảm hoạt động kinh tế trong toàn khu vực. Nhất là khi cảng này đang trong giai đoạn chuyển đổi, chịu tác động bởi các thay đổi về thông lệ khai thác tàu biển và tăng trưởng hàng hóa.
Trong vấn đề thách thức về ùn tắc giao thông quanh cảng Cát Lái, phân tích của USAID cho thấy cần phải giải quyết khẩn cấp một số khía cạnh chính của chức năng cảng để cải thiện hiệu quả hoạt động hiện tại và ngăn ngừa sự quá tải công suất trong tương lai gần.
Yếu tố tác động xấu tới chất lượng dịch vụ dành cho xe tải của cảng Cát Lái chính là các dòng xe xếp hàng dài trước cổng, có thể mất từ hai đến ba giờ. Cát Lái không có đường sắt, và chỉ có thể được tiếp cận theo tuyến đường bộ duy nhất. Theo tuyến đường này, xe tải có rất ít không gian để chờ trước mỗi cổng chính.
Mặc dù trung bình mỗi ngày có khoảng 16.400 lượt xe đến cảng Cát Lái, thế nhưng trong thời gian cao điểm lưu lượng có thể lên tới 22.000 lượt xe. Ngay cả trong những ngày bình thường, lưu lượng xe vẫn là quá cao so với khả năng đáp ứng của đường vào và các khu vực lân cận. Hạn chế trước mắt lớn nhất đối với cảng Cát Lái là tình trạng ùn tắc giao thông trong và xung quanh cảng, các xe tràn ra các tuyến đường nội đô và không có nơi nào để đi.
Để giải quyết thách thức cấp bách và tức thời nhất tại cảng Cát Lái, giới chuyên gia của USAID khuyến nghị cần áp dụng hệ thống Street Turn. Hệ thống hoạt động bằng cách xác định và bố trí các cơ hội vận chuyển cho xe tải để xe có thể chở hàng ở cả hai chiều, cho phép xe nhận và giao hàng trong cùng một chu kỳ vận tải đường bộ.
Ngoài ra, rất cần thành lập các bãi chờ gần cảng Cát Lái cho xe tải để hỗ trợ các hoạt động tại cổng vào ban đêm, tăng khả năng sử dụng các cổng tại cảng Cát Lái và giảm ùn tắc.
Bên cạnh đó, việc mở rộng số lượng làn ở cổng ra vào cảng Cát Lái và các điểm đỗ xe trước cổng tương ứng có thể giúp giảm ùn tắc ngay lập tức trong khi không cần phải đầu tư nhiều.
Nhất là chuyên môn hóa làn đường để rút ngắn thời gian xử lý tại cổng và đặc biệt là thời gian chờ ngoài cổng theo hướng thiết lập các làn đặc biệt cho các xe chở container rỗng hoặc sắt-xi không có container. Đồng thời, dành các “làn nhanh” cho các container đã được thông quan trước và “làn có vấn đề” cho các container cần phải thanh toán hoặc kiểm tra.
Thế Vinh