Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, một số mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu (XK) tăng nhưng do giá XK bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước như: cà phê, cao su, hạt tiêu… Nói một cách nôm na là số lượng tăng nhưng tiền thu về lại ít hơn so với cùng kỳ năm trước.
Lượng tăng, kim ngạch giảm
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy kim ngạch XK nông lâm thủy sản tháng 6 ước đạt 3,45 tỷ USD, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, một số mặt hàng XK chủ lực đang phải đối mặt với tình trạng rớt giá.
Cụ thể như mặt hàng hạt tiêu, lũy kế XK nửa đầu năm ước đạt 132.000 tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng nhưng giảm 36,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu XK bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh, bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 3.438 USD/ tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá XK, tính đến ngày 23/6, giá hạt tiêu giao dịch ở mức 53.000 – 56.000 đồng/kg, giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước và giảm 2.000 đồng/kg so với tháng 1.
Tương tự với cao su, lũy kế XK 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 560.000 tấn và 816 triệu USD, tăng 16,1% về khối lượng nhưng giảm 8,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su XK bình quân 5 tháng đầu năm đạt 1.463 USD/tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế XK cà phê 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,04 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 11,1% về khối lượng nhưng giảm 4,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê XK bình quân 5 tháng đầu năm đạt 1.932 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sở dĩ giá các mặt hàng trên giảm là do nguồn cung thế giới dồi dào và thị trường XK chưa có tín hiệu khởi sắc.
Ts. Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng ngay từ khi bước vào cuộc chơi hội nhập, Việt Nam đã là nước xuất siêu nông sản, điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có lợi thế để cạnh tranh với các nước. Có điều trong bối cảnh nguồn cung thế giới dư thừa, nhiều nước đang đưa thêm các hàng rào phi thuế quan đòi hỏi nỗ lực, cố gắng của Việt Nam phải lớn hơn.
Hiện nay, đứng trước các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, năng lực để chứng minh hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng còn yếu, trong khi việc xây dựng thương hiệu cho nông sản vẫn là thách thức lớn. Hầu hết nông dân Việt Nam bị thế giới coi là "nông dân nhỏ" nên khó cạnh tranh với các nước, kể cả những nước gần nhất như Thái Lan.
Một trong những lý do hàng Việt bị định giá thấp là do thiếu thương hiệu. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan), khuyến nghị Việt Nam cần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản. Đơn cử như câu chuyện Việt Nam là một trong năm quốc gia XK chè lớn nhất thế giới, tuy được khách hàng đánh giá cao số lượng nhưng chè Việt vẫn XK thô, đóng trong bao lớn, dẫn tới lợi nhuận thu về thấp do bị mua rẻ.
Sản xuất lớn, làm thương hiệu
Trong những năm gần đây, gạo và tiêu đen phải cạnh tranh từ các nhà XK Campuchia, nếu Việt Nam không xây dựng được sự khác biệt, sản phẩm sẽ mất dần lợi thế thương mại và XK.
Ông Hải cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của nhà nhập khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc công ty Agricare, khi doanh nghiệp này đưa sản phẩm nông sản XK sang các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Trung Quốc… đều bị chê là không có thương hiệu. Trong khi đó, Thái Lan làm cực tốt điều này, ngay tại thị trường Trung Quốc, họ tổ chức các đợt xúc tiến thương mại rất hiệu quả. Nhãn Thái bán được 3-4 USD/kg, còn nhãn Việt Nam chỉ bán được 1 USD/kg.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng để nông sản Việt quyết định được giá bán, đầu tiên chúng ta phải thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của bà con nông dân, chấm dứt cách làm theo kiểu tôi có gì tôi bán, mà phải thị trường cần cái gì tôi mới làm.
"Chúng ta phải trang bị tư duy và công cụ cho nhà quản lý địa phương để xác định sản phẩm sản xuất cho ai, bán cái gì, ở đâu. Ứng dụng công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành, chứ ngay cả XK sang Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam cũng bị chê là giá cao. Đồng thời đẩy mạnh chế biến để đưa hàng nông sản đi xa hơn. Vừa rồi, vì công nghệ chế biến kém nên chúng tôi đã hỏng nhiều lô hàng trái cây xuất sang Úc", ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, chuyên gia Đặng Kim Sơn nhấn mạnh khâu quan trọng nhất là thông tin thị trường, nhưng chúng ta hiện không có cơ quan phân tích thị trường dù nông nghiệp là "trận đánh" của hàng triệu nông dân.
"Tôi chưa nói tới nghiên cứu thị trường bên ngoài, trước hết chúng ta chỉ cần giám sát, cũng đừng để "chặt cây nọ, bỏ con kia". Về dài hạn, cần tổ chức nông dân lại với nhau. Nông dân nhỏ qua một đêm không thể biến thành nông dân lớn, mà phải tìm cách liên kết nông dân bằng cách đưa họ tham gia vào hợp tác xã. Đó là cách để Hàn Quốc, Israel trở thành nước nông nghiệp thành công. Đó là con đường mà Việt Nam phải làm. Có thu hút được doanh nghiệp vào nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị hay không là phụ thuộc vào chuyện này", ông Sơn khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc cần làm ngay của ngành nông nghiệp là đẩy nhanh quá trình sản xuất tập trung với quy mô lớn. Nói cách khác là phải công nghiệp hóa nông nghiệp. Người nông dân hiện nay gọi là công nhân nông nghiệp, làm việc theo quy trình và tín hiệu thị trường.
"Cách đây 5-6 năm có chương trình cánh đồng mẫu lớn nhưng dường như mới dừng ở thí điểm. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng rất thành công, trở thành một cường quốc XK nông sản nhờ chương trình khoán 10, phải chăng chúng ta cần thêm một cuộc khoán 10 nữa?", ông Hải nói.
Lê Thúy
Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc công ty Agricare Doanh nghiệp cần có một tổ chức hỗ trợ về thông tin thị trường. Đến thời điểm này, chúng tôi gần như tự mày mò, mất rất nhiều nguồn lực, thời gian mà kinh doanh rất rủi ro vì thiếu thông tin. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Năm nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể XK đạt kim ngạch 40 tỷ USD nhưng nguy cơ về thị trường cực lớn, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thương mại, hàng rào bảo hộ. Các ngành nông, lâm, thủy sản phải bám sát mục tiêu tăng trưởng để tổ chức sản xuất, chủ động thực hiện xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Những yêu cầu về tiêu chuẩn XK nông sản ngày càng cao, vì vậy đối với những mặt hàng đang có dấu hiệu dư cung như cao su, tiêu, cà phê… cần phải chú ý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tổ chức mạng lưới giám sát thường xuyên dữ liệu vùng nguyên liệu, cây trồng ở các địa phương để cân đối nguồn cung theo tín hiệu thị trường. |