Trái với kỳ vọng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm mạnh, sau kỳ điều hành ngày 11/5 vừa qua, mỗi lít xăng RON 95 tăng khoảng 1.550 đồng, lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi các loại dầu cũng đắt hơn 1.100 - 1.300 đồng/lít.
Doanh nghiệp sẽ tăng giá tiếp nếu xăng vượt 30.000 đồng/lít
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như vậy, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp vận tải taxi đang chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá cước. Nếu tăng cước, khách hàng sẽ không chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ mất khách. Do vậy, tiết giảm chi phí, thu gọn nhân sự để vận hành đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp tính tới, vì giá xăng dầu dự báo còn diễn biến khó lường, buộc doanh nghiệp phải thích ứng.
Giá hàng hóa rục rịch tăng sau khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh vào ngày 11/5. |
Chia sẻ với VnBusiness, ông Hùng cho biết mỗi lần điều chỉnh giá cước rất tốn kém. Doanh nghiệp phải tốn chi phí kiểm định đồng hồ 100.000 đồng/xe, thay bộ bảng giá niêm yết ngoài xe khoảng 200.000 đồng/xe, chi phí thuê bãi để tập kết xe phục vụ công tác thay bảng giá, hàng nghìn xe phải ngừng chạy...
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, các doanh nghiệp taxi sẽ phải dứt khoát có tính toán điều chỉnh tăng cước như hồi giữa tháng 3 năm nay.
Không chỉ cước vận tải, giá thực phẩm cũng đang được điều chỉnh tăng sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua. Đơn cử, Công ty Saigon Food (TP.HCM), cho hay vừa tăng giá bán nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến từ 5-15%. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào, bao bì tăng liên tục, trong đó nhà cung cấp bao bì như giấy, vỏ nhôm... đã 2-3 lần điều chỉnh tăng giá từ cuối năm 2021 đến nay.
Tương tự, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cũng cho biết đang điều chỉnh tăng giá bán một số sản phẩm chế biến do các nhà cung cấp nguyên vật liệu và bao bì đã nhiều lần tăng giá bán.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng trưởng Tổng cục Thống kê, việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến giá thực phẩm trong nước phải điều chỉnh tăng, trong khi nhóm thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% sẽ là thách thức không nhỏ đối với cơ quan điều hành.
"Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 1,76 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng đầu năm", ông Lâm cho biết.
Tính toán lại thuế phí
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng đánh giá việc giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn tới chỉ số lạm phát năm nay. Dự báo lạm phát sẽ tăng từ 3,8-4,2%.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, ông Lực cho biết biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp do giá bán hàng không tăng tương ứng với chi phí đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, đa dạng thị trường để phân tán rủi ro và giảm bớt thiệt hại.
Điều này cho thấy, việc kiểm soát giá xăng dầu trong thời gian tới rất quan trọng để phục hồi sức khỏe cho doanh nghiệp cũng như ổn định thị trường hàng hóa, giá cả cho người tiêu dùng. TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để giúp giá xăng dầu trong nước không tăng đúng nhịp với quy mô tăng giá từ thế giới, đây cũng là giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam không bị tổn thương quá lớn.
Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Hiện, mỗi lít xăng dầu phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia.
Trước quan điểm của Bộ Tài chính: xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, ông Hùng khẳng định doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm xăng dầu, vì lãng phí đồng nghĩa với túi tiền của họ phải chi nhiều hơn.
Đồng thời, ông Hùng cho rằng như vậy là không công bằng, vì hiện chúng ta cũng đang chuyển sang sử dụng các loại xăng dầu bảo vệ môi trường như E5RON92.
Nhật Linh