Đây là nhận định của TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khi đánh giá về tác động của giá xăng dầu đối với nền kinh tế Việt Nam.
Với lượng tiêu thụ mỗi tháng gần 2 triệu m3 thì quy định dự trữ có đủ lượng 5-7 ngày vẫn là thấp. |
Lý giải nguyên nhân tăng giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm cho hay, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, nguyên Tổng trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.
Ông Lâm đánh giá vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ khoảng 5-7 ngày. Đây là con số quá ít so với các nước. Dự trữ xăng dầu không tốt sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.
Về dự trữ xăng dầu, ông Lâm dẫn chứng như Mỹ - dự trữ rất tốt nên vừa qua nước này đã xuất kho để giảm giá xăng dầu, đồng thời Bộ Thương mại Mỹ cũng có chính sách mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Nhiều nước cũng có quy định dành bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu.
Ông Lâm một lần nữa nhấn mạnh tới Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu.
Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam có dự trữ xăng dầu nhưng số lượng ít, chỉ đáp ứng nhu cầu 5-7 ngày. Nhưng nguồn này chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt, chứ không tung ra trong hoàn cảnh hiện nay. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tham mưu nâng mức dự trữ này lên để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng 1-2 tháng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, với lượng tiêu thụ mỗi tháng gần 2 triệu m3 thì quy định dự trữ có đủ lượng 5-7 ngày vẫn là thấp. Đồng thời, cơ chế dự trữ quốc gia cũng chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là sự bất hợp lý vì khó xác định được doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ dự trữ lưu thông hay không.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Nhật Linh