Khảo sát hiện nay, mức giá mà người thuê trọ phải chịu rất cao trong khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kWh, gấp nhiều so với giá Nhà nước quy định. Với mức giá này, bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, người thuê trọ lại càng phải chi nhiều tiền để sử dụng điện.
Giá đắt nhiều lần quy định
Theo chia sẻ của người thuê trọ, muốn có giá điện rẻ hơn một chút, họ chỉ có cách đi ra ngoại thành, chọn nơi ít trường đại học, xí nghiệp, nhà xưởng để thuê.
Còn không, tại các quận nội thành như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Bình, Thanh Xuân (Hà Nội) giá điện không bao giờ rẻ dưới 3.000 đồng/kWh, trừ khi có hợp đồng mua bán điện.
Chị Hồng Mai, trọ tại phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội), cho biết giá điện mà chị đang phải trả là 4.000 đồng/kWh.
“Đi trọ giờ giá điện toàn thế thôi. Mỗi tháng tôi vẫn phải chi khoảng 700.000 đồng tiền điện. Mặc dù đi làm suốt và không bật điều hòa mấy”, chị Mai chia sẻ.
Tương tự, bạn Lan Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết đang thuê một căn nhà trọ ở khu vực Cầu Giấy với giá điện 4.000 đồng/kWh. Những tháng mùa hè nắng nóng như thế này, tiền điện phải trả cho một tháng sử dụng lên tới 400.000 đồng, dù phòng chỉ có thiết bị sử dụng điện như quạt, máy tính, bóng điện.
Trước câu hỏi có thắc mắc về giá điện trước khi thuê nhà không, Dung cho biết đây là mức giá mà chủ nhà trọ đưa ra, nếu thấy phù hợp thì ở. Đa phần các nhà trọ ở khu vực này đều áp 4.000 đồng/kWh, nhà nào rẻ xuống 3.500 đồng/kWh nhưng phòng lại xấu, nóng nực. Nếu điện rẻ, giá nước, internet sẽ cao nên sinh viên hay người lao động chọn phòng đều tự căn cứ vào “sức chịu” của mình.
Theo quy định, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) sẽ được cấp định mức hoặc áp một giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ), cụ thể: Hồ sơ gồm sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Khi có thay đổi về người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
4.000 đồng/kWh đang là giá điện mà nhiều người thuê trọ phải trả |
Công tơ nhảy số liên tục
Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (101 - 200 kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký HĐMBĐ (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà), công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
Tuy nhiên, để cho tiện lợi và thu lời cao từ việc ăn chênh tiền điện, đa phần các chủ nhà trọ bỏ qua công đoạn trên, thường áp giá điện nhất định buộc người thuê nhà phải đóng.
Phản ánh của đa số người lao động và sinh viên cho biết họ rất ít khi được ký kết HĐMBĐ vì nhiều lý do. Trong đó, phần lớn các chủ nhà trọ đã đưa ra giá điện từ trước khi đến thuê, nếu chấp nhận thì ở.
Cùng với đó, do người thuê nhà nhiều khi cũng không nắm rõ quy định, đồng thời do không xác định ở cố định, ngại xin giấy tạm trú nên chấp nhận đóng giá cao.
Không chỉ giá điện cao, một số trường hợp người thuê trọ còn gặp tình cảnh công tơ điện “nhảy số” liên tục.
Một người thuê trọ phàn nàn mới tháng trước phải chuyển phòng, chấp nhận mất tiền đặt cọc do “sốc” vì chiếc công tơ điện. “Phòng tôi có 1 chiếc quạt, 2 cái máy tính, 2 bóng đèn, 1 chiếc tủ lạnh, cuối tháng giật mình khi bà chủ tới bảo tháng này dùng hết 150 số điện. Vị chi là hết 600.000 đồng tiền điện”.
“Các bạn thuê phòng trọ nên để ý công tơ điện từng ngày, xem mỗi ngày mình dùng bao nhiêu số. Chứ cứ để tới cuối tháng, họ thu bao nhiêu mình phải trả bấy nhiêu”, bạn này khuyến cáo.
Thy Lê