Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, trong Phiên hiến kế về phát triển kinh tế số, với chủ đề: Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam tổ chức sáng nay (2/5), ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số |
Khái niệm "kinh tế số" còn nhiều tranh cãi
Theo các diễn giả, nền kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, những công nghệ mới, những điều kiện hội tụ dẫn đến sự chuyển đổi ngày càng nhanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế số, mỗi nước lại xác định các thành phần cấu thành khác nhau nhưng về cơ bản nền kinh tế số là sử dụng những tài nguyên số cho sự phát triển.
Điều phối phiên hiến kế về phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính - Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, trước khi có thể hoàn thiện thể chế và xác định các điều kiện nền tảng cho phát triển kinh tế số, việc đầu tiên là cần hiểu đúng định nghĩa "kinh tế số" và xác định được mục tiêu quốc gia trong 5 - 10 năm tới là điều rất quan trọng.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khái niệm kinh tế số vẫn là một vấn đề tranh cãi.
"Đúng là nội dung kinh tế số là khái niệm nhắc đến nhiều gần đây, cùng với khái niệm về Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng một định nghĩa chi tiết và cụ thể về nội dung này vẫn là điều còn chưa được thống nhất", ông Thắng cho biết.
Qua phần giới thiệu mở đầu phiên thảo luận, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xác định một khái niệm chi tiết, bao quát nhất về kinh tế số là điều quan trọng, và khái niệm kinh tế số nhìn một cách cơ bản là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số.
Ông Thắng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng những chiến lược về kinh tế số và cacsnh mạng công nghiệp 4.0 dựa trên khái niệm này.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, cần hiểu cặn kẽ về khái niệm kinh tế số, tránh nhầm lẫn.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, kinh tế số là một phần của nền kinh tế trong đó gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số, ông Duy nói, là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và triển khai
Dù đánh giá tầm quan trọng của phát triển kinh tế số trong nền kinh tế Việt Nam, song các chuyên gia cũng thừa nhận, hiện nay còn nhiều thách thức trong sự phát triển kinh tế số ở Việt nam khiến kinh tế số đang phát triển nửa vời.
Theo ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.
Hiến kế để phát triển kinh tế số, ông Ngọc cho rằng, bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.
Trả lời câu hỏi "Việt Nam có chậm chân trong sự phát triển kinh tế số hay không và thể chế cần thay đổi gì để kinh tế số phát triển 5-10 năm tới?", ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người. "Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn", ông nói.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất. Theo ông, hiện nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.
Là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiếu nhấn mạnh, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế số, TS Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần; Tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đảm bảo an toàn an ninh mạng; Và đặc biệt là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số.
"Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất", Tổng giám đốc ABB Việt Nam nhấn mạnh.
Thanh Hoa