Chia sẻ với Kinh Doanh sáng 22/2, ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gà đồi Chí Linh (Hải Dương) cho biết, thường ngày gà của TP Chí Linh chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương lái. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thương lái không vào được đã khiến việc tiêu thụ gà đồi bị "đóng băng".
"Tắc" khâu vận chuyển
"Gà thương phẩm nuôi chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đánm, nhưng đến giờ vẫn chưa thể bán được. Người nông dân đang phải cắn răng chịu lỗ để duy trì chi phí thức ăn cho đàn gà từng ngày", ông Nhàn nói.
Nhiều xe hàng phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu vì không đáp ứng đủ điều kiện kiểm dịch COVID-19 (Ảnh minh họa: Int) |
Theo ông Nhàn, dù văn bản hiện nay đều chủ trương tạo điều kiện thuận lợi thông thương, nhưng thực tế các quy định chống dịch rất chặt chẽ mà thương lái khó đáp ứng.
Cụ thể, lái xe, thương lái phải có xét nghiệm với kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Nhưng thực tế, để tiếp cận xét nghiệm được là không dễ, nhất là ở các địa phương đang có dịch. Bên cạnh đó, mỗi kết quả xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong khoảng 3 ngày.
Ông Nhàn chia sẻ, tính từ lúc đi xét nghiệm đến lúc có kết quả đã mất 2-3 ngày và kết quả xét nghiệm cũng chỉ được 3 ngày. Một lần đi xét nghiệm chỉ đi được 1 hoặc 2 buổi chợ nên tiểu thương rất e ngại. Đây chính là mấu chốt khiến gà đồi Chí Linh cũng như nhiều nông sản khác đang bị dồn ứ.
Được biết, UBND TP Chí Linh cũng vừa có văn bản gửi Sở Công Thương Hà Nội đề nghị hỗ trợ tiêu thụ khoảng 650.000 con gà đồi Chí Linh đến kỳ xuất bán, tương đương khoảng 1.625 tấn do bị dồn ứ, ách tắc bởi dịch COVID-19.
Anh Phạm Đình Dừa, xã Yết Kiêu (Gia Lộc, Hải Dương) - chủ trang trại gà 3,8 vạn con chia sẻ, hiện mỗi ngày trang trại đang lỗ khoảng 30 triệu đồng. 22 năm nuôi gà đẻ lấy trứng ấp nở bán con giống nhưng chưa bao giờ anh gặp phải tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Anh Dừa cho biết, gà giống cứ 2 ngày cho ra một lứa khoảng 1,5 vạn con, nhưng tiêu thụ không dễ dàng, do xe chở gà không qua được các chốt kiểm dịch của các tỉnh lân cận. Thậm chí, chỉ xin đến chốt kiểm dịch sẽ bốc hàng chuyển xe nhưng vẫn bị chặn, không được lưu thông.
"Hôm trước, cả một xe gà giống của tôi bán cho khách hàng ở Hải Phòng, Nam Định đều không qua được chốt. Gà giống chở trên xe cả vạn con quay về huyện Chí Linh tiêu thụ được một ít, còn lại đem về đành đổ bỏ xuống ao cho cá ăn. Nhìn mà xót xa, giữ lại cũng không nuôi nổi", anh Dừa nói.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hiện các hệ thống phân phối vẫn đang nỗ lực hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, trung bình khoảng 100 tấn/tuần. Hàng hoá và xe vận chuyển đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng. Nhưng cũng do việc kiểm soát kỹ nên tiến độ vận chuyển chậm, các hệ thống phân phối muốn hỗ trợ tiêu thụ nhiều hơn cũng khó.
Trước tình hình hàng tấn gà thương phẩm ế ẩm không bán được, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đang liên hệ các cơ sở giết mổ tập trung, đề nghị các cơ sở này chung tay để kiểm dịch, sơ chế, đóng gói gà và chuyển đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, vận động, đề nghị các cơ quan, công sở, đoàn hội, khu dân phố trên địa bàn mua ủng hộ cho bà con. Qua trao đổi, đã có một số cơ sở giết mổ lớn đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ không lấy lãi.
Cần thống nhất quy định về lưu thông hàng hóa
Về vấn đề này, trưa 22/2, Bộ Công Thương cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Theo đó, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng... gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7/2/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong khi thị trường xuất khẩu được.
"Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương", Bộ Công Thương cho biết.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài...
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với các địa phương, cần quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn.
Lê Thúy