Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây khi xuất khẩu vào Bắc Âu. Trong đó, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA) có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Chiếm lĩnh lợi thế cạnh tranh ở nhiều thị trường
Do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới biết tới. |
"Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam” , Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, tương đương kim ngạch trên 1,35 tỷ USD, giá trung bình đạt 489 USD/tấn, tăng 6,6% về khối lượng, nhưng giảm 4% về kim ngạch và giảm 9,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Diệu, Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Công ty Agromonitor, đánh giá về quá trình trong 5-7 năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có bước tiến triển lớn. Các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Phân khúc gạo trung bình khá của Việt Nam được khẳng định.
Theo ông Diệu, nếu như năm 2016, gạo phẩm cấp thấp IR50404 chiếm tỷ lệ lớn thì đến năm 2021, gạo phẩm cấp cao Đài thơm 8 - OM18 chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu. Các loại gạo cao cấp mới của Việt Nam đang khiến thương nhân Thái Lan lo ngại. Lý do là giá gạo thơm Thái Lan quá cao. Việt Nam tiến vào thị trường gạo thơm nên đạt thành công.
Gạo IR50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng sau đó xuống còn 21%, hiện còn dưới 10%. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao của Việt Nam đảo ngược hoàn toàn.
"Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam, và Thái Lan có thể để mất thị phần", ông Diệu chia sẻ nhưng cũng đặ ra câu hỏi là các ngành chức năng cần hỗ trợ gì để giúp ngành lúa gạo Việt Nam tận dụng được những cơ hội trên.
Tăng giá trị hạt gạo, giá xuất khẩu
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long đã chỉ ra rất nhiều lợi thế của gạo Việt Nam mà Thái Lan không có. Theo đó, bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam lâu nay vẫn được so sánh với đối thủ Thái Lan, song các giống gạo của Việt Nam có điểm khác là đa dạng hơn, có gạo ngắn, gạo tròn với nhiều chủng giống mà Thái Lan, Campuchia không có.
Tương tự, Thái Lan, Campuchia cũng không có các giống gạo hạt dài, nhưng có điểm chung về thị trường xuất khẩu là Philippines. Và, ngành lúa gạo Việt Nam tự hào khi người dân Philippines nói thích gạo Việt Nam hơn gạo Thái Lan. Một phần do người tiêu dùng Philippines đã quen sử dụng gạo Việt Nam nên gạo Thái khó có cửa cạnh tranh.
Vì vậy, ông Trung cho rằng gạo Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với gạo Thái Lan, nhưng lưu ý mỗi loại gạo đều có thị trường riêng. Nếu gạo Việt Nam có giá bán cao hơn Thái Lan hay gạo Việt Nam có bán thấp hơn gạo Thái Lan 20-30 USD/tấn cũng là bình thường. Vấn đề lớn nhất là giá trị thu về.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, chia sẻ: "Chúng ta nói doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, cạnh tranh với Thái Lan nhưng cũng cần suy nghĩ lại. Có những sản phẩm Thái Lan làm thì mình không có và ngược lại, người tiêu dùng sản phẩm nào thì sản phẩm đó ổn định. Thị trường Philippines thích ăn gạo Việt Nam, vậy gạo Việt Nam ổn định ở thị trường này. Điều này cho thấy không phải mở rộng thị trường nào mà quan trọng là mở rộng ở thị trường đó bền vững không".
Ông Nam cũng chỉ ra khó khăn của ngành lúa gạo còn nằm ở khâu logistics. Nhiều vùng lúa thơm hiện nay không còn lời vì chi phí vận tải chiếm tỷ trọng cao. Như vậy làm sao phát triển?
Lãnh đạo Intimex Group đề xuất ở các vùng sản xuất lúa gạo lớn của cả nước như Đồng bằng Sông Cửu Long cần tận dụng đường sông bởi chi phí rẻ, nên cần đầu tư mạnh. Ngoài ra, phải xây dựng cảng trung chuyển bằng cách kêu gọi đầu tư của tư nhân vào hạ tầng giao thông.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cơ quan nhà nước cần thúc đẩy hỗ trợ các chi phí hạ tầng liên kết, thành lập những tổ công tác cộng đồng liên kết bà con nông dân với các hợp tác xã. Bên cạnh đó là liên kết nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng. Đồng thời, cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng như khơi thông nguồn vốn cho ngành lúa gạo để nguồn vốn đi đúng vào chu kỳ sản xuất. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề về giống, phân bón...
Ông Toản kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá trị hạt gạo, giá xuất khẩu.
Mặt khác, để đưa gạo Việt Nam vào các thị trường khó tính, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đặc biệt lưu ý xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải... Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Nhật Linh