Trong bối cảnh năm 2021 khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (DN).
41,4% DN vẫn phải trả chi phí không chính thức
Theo đó, một trong những chỉ số tích cực trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 chính là năm 2021, tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức nói chung giảm xuống 41,4% so với mức 44,9% của năm 2020. Đây là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%).
Doanh nghiệp mong muốn các địa phương tiếp tục cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức. |
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho rằng các địa phương cần tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN.
Báo cáo PCI 2021 cho thấy, tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%). DN cũng thường trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.
Bên cạnh đó, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Các vấn đề cũng nằm trong mối quan ngại của DN còn có thể kể đến như giá đất theo quy định của Nhà nước cao, tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm...
Đối với các DN FDI, GS.TS. Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), cho biết qua khảo sát cho thấy, các DN nước ngoài tại Việt Nam đánh giá một số lĩnh vực thủ tục hành chính đã được cải thiện tích cực, cụ thể là đăng ký đầu tư, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác cũng có sự gia tăng tỷ lệ DN phản ánh còn nhiều phiền hà trong năm 2021 so với năm 2020 như thuế (25%), phòng cháy (24%), đất đai (17%), xây dựng (12%) và lao động (15%).
Đa số DN FDI vẫn phàn nàn gánh nặng thực thi quy định tăng lên trong năm 2021. Tỷ lệ DN FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng mạnh so với con số 32,9% của năm 2020.
Các DN FDI tiếp tục đánh giá cao hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam trong năm 2021 song đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2021, vẫn có 1,7% DN phải dành trên 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với con số 1,2% của năm 2020.
Tương tự, năm 2021 có 5% DN cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi năm trước đó chỉ là 2,1%. Điều tra DN FDI năm 2021 cho thấy một số lĩnh vực cần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi tỷ lệ DN FDI cho biết có chi trả chi phí không chính thức còn cao, như lĩnh vực thủ tục xuất nhập khẩu (38,9%), thanh, kiểm tra (25,4%), thủ tục đất đai (21,1%).
Cần quan tâm hơn nữa khu vực DN nhỏ và vừa
Với cộng đồng DN nhỏ và vừa, báo cáo PCI cũng chỉ ra kết quả thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn khá khiêm tốn trên thực tiễn. Kết quả PCI cho thấy tỷ lệ DN đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%. Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ DN tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa nhưng cũng chỉ có 7,34% DN thực tế đã tiếp cận... Trong khi đó, 51,3% DN trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong số các DN biết đến Luật này, chỉ 36,8% DN đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa cho các DN nhỏ và vừa phát triển. Quan sát từ thực tế cho thấy, lãnh đạo địa phương thường có các lịch tiếp các tập đoàn lớn để giải quyết những khó khăn vướng mắc nhưng những cuộc gặp DN nhỏ thì còn rất ít.
Quảng Ninh - địa phương lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI. Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ đây là kết quả đạt được nhờ sự kiên trì nỗ lực, bền bỉ xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ DN, quyết tâm đột phá để gỡ những nút thắt, điểm nghẽn. Từ đây sẽ mở ra cơ hội phát triển của địa phương, ngăn chặn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
"Bộ máy chính quyền của Quảng Ninh luôn xác định phục vụ người dân, DN làm sao phải giảm rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Chúng tôi luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, giải quyết những khúc mắc mà họ gặp phải. Đó là lý do DN tin tưởng vào chính quyền Quảng Ninh", ông Ký chia sẻ.
Thời gian qua, COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động DN với mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng nhóm DN. Báo cáo PCI cho thấy có tới 92% DN (cụ thể, 94% DN tư nhân trong nước và 86% DN có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 (năm 2020 là 87%). Khó khăn lớn nhất DN gặp phải thiếu hụt dòng tiền, một khó khăn phổ biến nhưng tập trung nhiều hơn ở các DN tư nhân trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ cần đặt ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch. Cộng đồng DN đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
Theo đó, ông Cung cho rằng các địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh (đã có chỉ đạo của Thủ tướng hay kiến nghị của các DN, hiệp hội DN).
Ông Phạm Tấn Công Chủ tịch VCCI 2022 sẽ là năm vượt khó của cộng đồng DN, là năm bước ngoặt trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 2022 cũng là năm "thắp lửa" cải cách, tiếp tục khơi thông các nguồn lực cho cộng đồng DN để nền kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh hơn trong những năm tới. Kỳ vọng ấy chỉ có thể đạt được nếu có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan Nhà nước ở trung ương, địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng DN. Chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ đem lại sức sống mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng DN Việt Nam nói riêng. Bà Nguyễn Hương Giang Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bắc Ninh đang nằm trong top 10 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2021. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm thấy chưa thực sự hài lòng và thấy rằng cần phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ trong bảng xếp hạng. Tôi tin rằng nếu có sự đồng lòng vào cuộc phối hợp giữa các cơ quan của địa phương, phục vụ DN tốt nhất thì Bắc Ninh hoàn toàn thực hiện được mục tiêu trên. Bà Phạm Thị Hồng Thủy Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc Thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc của DN đã được chính quyền địa phương gặp gỡ, tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có vấn đề mà DN cần được hỗ trợ hơn nữa, tạo điều kiện cho DN thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư tới địa phương. |
Lê Thúy