Theo VCCI, Báo cáo PCI 2021 năm nay dành một chương riêng để phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai đối với hoạt động doanh nghiệp và đánh giá triển vọng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam trong thời gian tới.
Về tổng thể, PCI đã như một thước đo về sự hài lòng của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của các tỉnh thành. |
Còn nhớ ở chỉ số PCI năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Đáng nói, đây là lần thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh ở ngôi vị số 1. Trong Top 3 địa phương đứng đầu, còn có Đồng Tháp và Long An. Đứng cuối bảng PCI 2020 là Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Giang, Đắc Nông, Bắc Kạn.
Cùng với những diễn biến mới của nền kinh tế, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19 thì môi trường kinh doanh tại các địa phương tiếp tục được dư luận qua tâm. Thực tế thì vẫn còn nhiều điều cần phải bàn, nhất là những vấn đề về đất đai, thủ tục hành chính… Nhiều doanh nghiệp chưa thấy an tâm với những tồn tại lớn vẫn nằm ở hiệu lực thực thi ở cấp sở, ngành và tính minh bạch…
Quảng Ninh trong những năm gần đây là một hiện tượng, các cải cách về môi trường kinh doanh của tỉnh này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tỉnh, thành còn chưa chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, hay phải có quan hệ với cơ quan chính quyền để có thông tin về địa phương ở mức cao, trên 50% trong số hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia điều tra đã nói lên điều này.
Về tổng thể, PCI đã như một thước đo về sự hài lòng của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của các tỉnh thành. Thông qua những đánh giá về môi trường kinh doanh, các chỉ số kinh doanh về đất đai, nhân lực, thông thoáng trong thủ tục đầu tư… ở các tỉnh thành đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Từ chỗ ít được để ý và xem trọng, công việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại hầu hết các địa phương.
Từ chỗ chiếm số lượng ít ỏi, vị thế còn khiêm tốn, hiện nay số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng nhanh chóng, hướng đến con số 1 triệu doanh nghiệp đăng ký chính thức và là khu vực được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích phát triển.
Báo cáo PCI 2021 là ấn phẩm thường niên năm thứ 17 liên tiếp do VCCI xây dựng và phát triển với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia VCCI tâm đắc nhất trong các báo cáo PCI là đã trao quyền cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, tạo ra được một kênh để chuyển tải đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền liên quan và chủ động thúc đẩy thay đổi.
Các chính quyền địa phương giờ đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng định lượng để nhận diện, hướng các chương trình cải cách của mình đúng trọng tâm, sát yêu cầu của thực tế. Xây dựng, hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình cải cách dựa trên bằng chứng, thông tin định lượng đang dần trở thành một thói quen của nhiều cơ quan nhà nước địa phương tại Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận là thông qua PCI, chính quyền các địa phương đã thực sự cải cách, chú trọng hơn tới việc tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp. Các mô hình Café Doanh nhân, một mô hình đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp bán chính thức, bắt đầu tại Đồng Tháp giờ đã hiện diện tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã nói lên điều này.
Các chuyên gia của VCCI cũng nói rằng, thứ hạng của các địa phương nhóm đầu “đang chịu nhiều áp lực”. Vì khoảng cách điểm số PCI của các tỉnh cao nhất và thấp nhất ngày càng thu hẹp. Đáng nói, thành tựu cải cách của các địa phương đứng đầu vẫn dừng ở những lĩnh vực dễ làm, như cải cách thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh, cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn, thân thiện hơn…
Năm nay, cùng với kết quả chỉ số xếp hạng các tỉnh, thành phố thường niên, báo cáo PCI cũng sẽ phân tích những chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021, các lĩnh vực cải thiện và những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Đức Anh