Trả lời phóng viên sau khi 27 lãnh đạo các nước thành viên EU chính thức thông qua một thỏa thuận về việc Anh rời EU vào tháng 3/2019 và đề cương một hiệp định thương mại EU - Anh trong tương lai, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker cho biết nếu cứ suy nghĩ rằng từ chối thỏa thuận này sẽ có một thỏa thuận khác tốt hơn thì đó là sai lầm. Ông Juncker khẳng định “đây là thỏa thuận tốt nhất có thể”, với hàm ý quốc hội Anh nên cân nhắc kỹ nếu có ý định bỏ phiếu phản đối.
Không có kế hoạch B
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với EU, Thủ tướng Anh Theresa May cũng khẳng định với người dân trong nước rằng đây là “thỏa thuận khả dĩ duy nhất” vừa bảo đảm quyền kiểm soát biên giới và ngân sách của Anh, vừa phù hợp với các quy định của EU theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và bảo đảm an ninh của cả Anh và châu Âu.
“Cuộc đàm phán nào cũng vậy, không ai có thể có được mọi thứ mình muốn. Tôi nghĩ người dân Anh hiểu điều này,” bà May cho biết thêm.
Thủ tướng Anh cũng cảnh báo đợt bỏ phiếu tại Quốc hội tới đây có thể mở ra cánh cửa cho một “tương lai tươi sáng hơn”, hoặc khiến đất nước tiếp tục chia rẽ. Bà khẳng định sẽ làm hết khả năng và tâm huyết để bảo vệ thỏa thuận này và từ chối câu hỏi liệu bà có từ chức hay không nếu quốc hội không phê chuẩn.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nêu quan điểm “Không có kế hoạch B nào hết”. Kế hoạch B duy nhất - theo lời một quan chức EU khác, là sẵn sàng đón nhận một kịch bản không có thỏa thuận nào và cả Anh lẫn châu Âu rơi vào viễn cảnh “khó nhìn mặt nhau” trên nhiều phương diện, tác động xấu đến cả kinh tế và pháp lý.
Trong phần phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Anh không đề cập đến những bước tiếp theo trong trường hợp quốc hội bác bỏ thỏa thuận. Dự kiến cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của EU vào ngày 13 - 14/12.
Dù dành lời khen ngợi đoàn đàm phán EU sau khi kết thúc 18 tháng đàm phán mệt mỏi, ông Juncker cho rằng việc một trong những cường quốc lớn của châu Âu rời bỏ EU không phải là sự kiện đáng để ăn mừng và nhiệm vụ khó khăn không kém - làm mới một mối quan hệ đã cũ - đang chờ đợi phía trước.
EU và Anh đã nhất trí về những nội dung thỏa thuận Brexit của nước Anh |
Chông gai mới chỉ bắt đầu
Lãnh đạo EU mất gần nửa tiếng đồng hồ để thông qua thỏa thuận dài 585 trang về quá trình Anh tách khỏi EU từ tháng 3/2019 với một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 - 3 năm.
Trong khi đó, đề cương hiệp định đối tác thương mại và an ninh trong tương lai chỉ dài 26 trang. Các ý kiến chỉ trích bà May cho rằng sẽ là không hợp lý khi nước Anh phải tuân thủ các quy định của EU trong khi không được tham gia xây dựng những quy định đó.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết khối này quyết tâm duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ nhất có thể với nước Anh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu quan điểm rằng sự kiện Brexit cho thấy châu Âu cần phải cải tổ, đồng thời nhấn mạnh Pháp sẽ giám sát tình hình tuân thủ pháp luật EU của nước Anh sau khi EU hào phóng cho nước Anh duy trì quyền tiếp cận thị trường chung.
Tổng thống Lít-va Dalia Grybauskaite chia sẻ suy nghĩ cá nhân về một số kịch bản có thể xảy ra nếu quốc hội Anh không phê chuẩn thỏa thuận Brexit. Ví dụ như người Anh có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, tổ chức bầu cử sớm để thay thế bà May hoặc tìm cách thương lượng lại với EU về nội dung các cam kết.
Đảng Công đoàn Dân chủ Bắc Ai-len (DUP), tuyên bố sẽ cố gắng ngăn chặn thỏa thuận này vì nó trói buộc Anh với nhiều quy tắc của EU và DUP lo ngại mối quan hệ của Ai-len với Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn cũng tái khẳng định việc sẽ bỏ phiếu chống.
Hải Châu