Tại Diễn đàn cấp cao "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – CMCN 4.0" ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam sẽ không nằm ngoài cuộc chơi của CMCN 4.0. Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, nắm cơ hội để sớm bước lên con tàu này. Đây là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực".
Doanh nghiệp đã sẵn sàng?
Theo Báo cáo đánh giá về mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 quốc gia về cấu trúc của nền sản xuất và thứ hạng 53/100 quốc gia về các yếu tố dẫn dắt sản xuất.
Nhìn chung, mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam thuộc nhóm thấp của thế giới và thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, trong khu vực ASEAN, về cấu trúc của nền sản xuất, Việt Nam xếp hạng 48 và chỉ đứng trên Campuchia (hạng 81).
Về các yếu tố dẫn dắt sản xuất, Việt Nam xếp hạng 53, đứng sau Singapore (hạng 2), Malaysia (hạng 22), Philippines (hạng 22), Thái Lan (hạng 35)…
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết cuối năm 2017, bộ này đã tiến hành khảo sát tính sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các doanh nghiệp (DN) ngành công thương. Kết quả cho thấy phần lớn DN sản xuất công nghiệp đang mới đứng ở điểm xuất phát (có tới 61% DN hiện còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên).
Các DN Việt Nam tiếp cận ở mức thấp với 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 (chiến lược và tổ chức, nhà máy thông minh, vận hành dịch vụ, dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu, sản xuất thông minh, người lao động).
Khảo sát 2.000 DN do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội thực hiện cũng cho thấy 79% DN trả lời chưa chuẩn bị cho CMCN 4.0.
"Đây là xu hướng đáng lo ngại, cũng là điểm nghẽn cần cởi bỏ để nâng cao tính sẵn sàng của DN", ông Hải chia sẻ.
Khẳng định Việt Nam cần phải hành động để tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng Công nghiệp 4.0 đem lại thời cơ bình đẳng cho mọi quốc gia nhưng với quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không có hành động. Hành động cần được triển khai quyết liệt từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tới DN và người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu trước đây, Việt Nam tập trung vào "xóa mù chữ", giờ phải xóa mù tri thức công nghệ. Trước đây học để biết, để làm, bây giờ học để thay đổi thế giới cho tốt hơn, để từng người không bị bỏ lại phía sau và Việt Nam không bị bỏ lại phía sau".
CMCN 4.0 đang diễn ra trên khắp thế giới, đây là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Việt Nam đã có Công nghiệp 4.0 nhưng ở mức độ thấp.
"Một chuyên gia vừa nói với tôi Việt Nam đã có Công nghiệp 4.0 nhưng chưa phải quy mô lớn. Muốn có tốc độ cao hơn thì chính sách rất quan trọng", Thủ tướng chỉ đạo.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh |
Chương trình hành động 4.0
Trên thực tế, tại diễn đàn này, phần lớn góp ý của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều tập trung vào chính sách.
Ông Fernando Satiago, chuyên gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) nhấn mạnh, CMCN 4.0 đang diễn ra ở bất kỳ một quốc gia nào, nếu cứ đợi "con tàu" đến rồi lên mà không chủ động sẽ bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam cần có cơ chế minh bạch về khuôn khổ chính sách hợp lý với thiện chí Chính phủ mở rộng cửa để cho DN phát triển. Thách thức mà chúng ta đối mặt từ CMCN 4.0 không phải là chấm hết mà là bắt đầu cho quá trình mới để hướng tới tương lai.
Theo ông David S Aikman, Trưởng đại diện tại Trung Quốc, Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam hiện tại đang có giá nhân công rẻ, do vậy đôi khi vẫn trì hoãn việc đầu tư công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, các DN cần phải biết rằng để phát triển bền vững cần phải cạnh tranh bằng chất lượng lao động của mình chứ không chỉ nhân công giá rẻ.
Tương tự, ông Albert Antoine, chuyên gia tư vấn cao cấp về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ, cho rằng Việt Nam đừng quá lo ngại rằng CMCN 4.0 sẽ là nguy cơ gây nên mất việc làm trong tương lai vì nhà máy của các quốc gia phát triển sẽ chuyển về nước. Thay vào đó, cần tìm cách nâng cao chất lượng lao động, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và giữ chân tập đoàn lớn.
Trong bối cảnh CMCN 4.0 đã gần với Việt Nam và ở ngay trong Việt Nam, Thủ tướng mong muốn toàn xã hội nhận thức về cuộc CMCN 4.0 một cách sâu sắc, rõ ràng hơn.
Đây là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong đời sống, ngay trong các ứng dụng của cá nhân. Từ nhận thức đó sẽ thay đổi phương thức và nhận thức về nền kinh tế số, thay đổi giải pháp công nghệ chứ không chỉ áp dụng công nghệ truyền thống. Trong đó, các bộ ngành, địa phương, DN, HTX và người dân cần có chương trình hành động Cách mạng 4.0.
Về cơ sở hạ tầng cho phát triển Công nghiệp 4.0, Thủ tướng khẳng định: Phát triển hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng để thành công.
Về tạo công bằng trong phát triển và tiến bộ, người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Cách mạng 4.0 đưa ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức về phân hóa giàu nghèo, trình độ, vì vậy những mặt trái của Công nghiệp 4.0 cần phải được quan tâm, để không ai bị đẩy ra bên ngoài sự phát triển và bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng khẳng định: Chúng ta muốn làm nhanh, làm tốt thì chính sách rất quan trọng. Trong đó cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
"Cộng đồng DN với tư cách là nhóm hành động, là một lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và DN Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ như xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh phát triển; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Các DN Việt Nam phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới. Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0 như xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này, tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị DN. Trưởng Ban Kinh tế - Trung ương Nguyễn Văn Bình Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược quốc gia để tận dụng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng đã có chiến lược cho mình. Tuy nhiên, thách thức từ Công nghiệp 4.0 rất lớn, một mặt mở ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt đón đầu. Mặt khác, nếu không tiếp cận đúng đắn, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ tụt hậu xa hơn về công nghệ. Chính phủ cần có chủ trương chính sách để Việt Nam khai thác tốt cơ hội, vượt qua thách thức. |