Để giúp giảm ùn tắc đăng kiểm như hiện nay, Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) đang xây dựng 2 phương án tra cứu phương tiện được tự động giãn chu kỳ kiểm định, dự kiến triển khai trong tháng 5/2023.
Nhìn từ ùn tắc đăng kiểm...
Còn ở động thái mới nhất, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) hôm 15/5 đã phải triển khai tăng cường đợt 3 nhân lực thuộc Cảnh sát giao thông hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm. Đợt này sẽ có 30 đăng kiểm viên sẽ tăng cường tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Tp.HCM; 30 đăng kiểm viên sẽ tăng cường cho các địa phương.
Các cơ quan quản lý và khâu hoạch định chính sách cần lưu tâm gánh nặng chi phí của các DN đang nằm ở đâu để có giải pháp điều chỉnh kịp thời. |
Theo tính toán từ Cục Đăng kiểm, nếu các trung tâm đăng kiểm vẫn chưa được mở cửa thêm trở lại, sẽ phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện cần được kiểm định là khoảng 2,5 triệu xe (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Còn hiện tại, cả nước đang duy trì 241 trung tâm đăng kiểm đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc.
Tình trạng xe chờ đăng kiểm trong nhiều tháng nay đang làm các DN trong ngành vận tải nói riêng và các DN nói chung vô cùng bức xúc, thất vọng, chán chường vì tác động tiêu cực có tính dây chuyền, làm “nghẽn” sản xuất kinh doanh.
Điển hình như ở Đồng Nai, các trung tâm đăng kiểm đều rơi vào tình trạng quá tải, xe đến hạn đăng kiểm khi đến đăng ký đều phải bốc phiếu hẹn đến tháng 7/2023. Nhiều DN phản ánh tình trạng đăng kiểm dồn ứ thời gian qua đã làm ách tắc các hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của DN khiến họ bị thiệt hại nặng nề.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai, cho biết các DN đã phản ánh tình trạng này từ nhiều tháng nay. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Còn hiện tại, theo ông Nguyện, tình trạng chậm trễ của đăng kiểm đang tạo thêm gánh nặng khó phục hồi cho DN vì đã gây đứt gãy chuỗi vận chuyển, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện rất khó khăn.
Không riêng gì Đồng Nai, việc chậm trễ đăng kiểm kéo dài nhiều tháng nay đang tạo ra tổn thất theo hiệu ứng domino, như: Hàng hóa, thị trường tiêu thụ hàng hóa, DN vận tải, xăng dầu, nhà cung ứng hàng hóa…
Do đăng kiểm khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh khá lớn nên nhiều DN vận tải phải tăng giá cước vận tải. Và khi giá cước tăng thì giá cả hàng hóa tăng theo, khiến cho người tiêu dùng và các DN chồng chất khó khăn, gây đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Giới chuyên gia cho rằng khi hàng hóa ùn ứ vì chờ đăng kiểm sẽ làm tăng thêm chi phí và chi phí này cộng dồn vào nền kinh tế sẽ làm giảm sức cạnh tranh khi so sánh với các nước trong khu vực trong hoạt động xuất khẩu. Cho nên, nếu càng chậm trễ giải pháp khắc phục đăng kiểm quá tải thì sẽ như một nút thắt làm nghẽn khả năng phục hồi của DN trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
...Cho đến gánh nặng chi phí
Ngoài vấn đề đăng kiểm, khó khăn về thị trường tiêu thụ trong và nước và các gánh nặng chi phí khác đang tác động tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước, làm cho tình trạng sa thải nhân công đang tăng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM (Huba), cho biết Tp.HCM vừa công bố chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương), trong đó có đến 50% DN trên địa bàn TpHCM đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng.
Theo ông Hòa, một số DN đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước.
Cần nhắc lại trong cuộc khảo sát gần đây của Huba cho thấy một trong những khó khăn của DN là lãi suất vay cao (43%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%)... Qua đó cho thấy, chi phí vốn vay vẫn đang là áp lực lớn đối với các DN
Ngoài ra, mới đây khi góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có 8 hiệp hội DN cho biết, Dự thảo quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật Bảo hiểm xã hội 2014: người lao động đóng 8% (Điều 39) và người sử dụng lao động đóng 17% (Điều 40) vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo phản ánh của 8 hiệp hội nêu trên, đây là tỷ lệ đóng cao so với khu vực và thế giới. Cụ thể Malaysia đóng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%...
Bên cạnh đó, ông Trịnh Đình Cường, chủ một DN dịch vụ tài chính kế toán, cho rằng nên giãn tỷ lệ đóng bảo hiểm đối với những lao động có thời gian làm việc ngắn hạn từ 1-3 tháng.
Bởi lẽ, như chia sẻ của ông Cường, đối với những lao động ngắn hạn, DN hiện vẫn phải gánh mức bảo hiểm khá cao, trong khi thời gian làm việc ngắn dẫn tới hiệu suất mang lại không cao.
Còn theo bà Hạnh, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm ở Tp.HCM, tình trạng chung của nhiều DN nhỏ và vừa là không đủ sức cho việc chi trả các khoản thuế và bảo hiểm xã hội. Nhất là khi mức thuế và lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi mức lợi nhuận của các DN ngày càng teo tóp, thậm chí thua lỗ.
Bà Hạnh cho rằng việc các DN đang đối mặt với gánh nặng chi phí nên buộc phải nâng giá sản phẩm mới có lợi nhuận, mà như thế đầu ra lại càng khó, tồn kho lại càng nhiều, nói chung là khó chồng khó, không dễ gì phục hồi.
Trong gánh nặng về thuế cũng nên nhắc đến việc vào tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Như chia sẻ của ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, chính sách gia hạn nộp thuế thời điểm này được xem là rất ý nghĩa đối với các DN.
Tất nhiên, theo ông Tâm, đó không phải là “phép màu” giúp DN hồi phục nhưng giảm bớt phần nào gánh nặng cho họ trong thời điểm khó khăn.
Tựu trung lại, để không tạo thêm nút thắt phục hồi cho DN thì chính sách gia hạn thuế như vậy là rất cần thiết. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nếu nhìn vào tình hình ùn tắc đăng kiểm hay kiến nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của 8 hiệp hội sẽ thấy gánh nặng chi phí của các DN đang nằm ở đâu, để các cơ quan quản lý và khâu hoạch định chính sách tiếp thu và sửa đổi kịp thời.
Thế Vinh