Mới đây, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 26 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính có đề xuất phương án giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu MFN 2% đối với khô dầu đậu tương như hiện hành hoặc giảm thuế nhập khẩu xuống 1%.
Có nên điều chỉnh thuế suất nhập khẩu đậu tương?
Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính không đồng ý với kiến nghị trước đó của Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và một số hiệp hội về việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%.
Trong 10 tháng năm 2023 Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn. |
Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là mặt hàng khô đậu tương, đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65% nên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.
Để xem những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra thuyết phục hay không cũng cần tham khảo một vài số liệu ở ngành đậu tương này (mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi).
Trước hết là về nhập khẩu (NK). Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, NK đậu tương của Việt Nam đạt 138.874 tấn, tương đương 83,81 triệu USD, giá trung bình 603,5 USD/tấn, tăng 43,2% về lượng và tăng 43,9% kim ngạch so với tháng 9/2023, giá tăng nhẹ 0,5%. Và nếu tính riêng 10 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn.
Đậu tương NK về Việt Nam từ thị trường Brazil nhiều nhất. Trong 10 tháng năm 2023 NK đậu tương từ thị trường này đạt 895.240 tấn, tương đương 530,77 triệu USD, chiếm 55,6% trong tổng lượng và chiếm 52,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước. Đứng thứ 2 Mỹ với kim ngạch 375,96 triệu USD, giá 680,7 USD/tấn, chiếm 34,3% trong tổng lượng và chiếm 36,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Trong tháng 11/2023 này, giá khô đậu tương trên toàn cầu đang có những biến động mạnh, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) NK nguyên liệu đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cần một kịch bản trữ hàng đủ cho giai đoạn nước rút cuối năm. Việc biến động về giá cũng được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí NK nguyên liệu thô đậu tương vốn chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất của các DN sản xuất TĂCN ở Việt Nam.
Cần những định hướng hợp lý hơn
Theo giới chuyên gia, điều mấu chốt của vấn đề là giá đậu tương NK tuy có lên xuống bất thường nhưng việc tăng NK là cách thức chủ yếu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt ở trong nước. Nhất là khi vùng nguyên liệu trồng đậu tương ở Việt Nam thời gian qua đã sụt giảm nghiêm trọng, diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp, năng suất thấp.
Cụ thể, nếu như năm 2010 diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam là hơn 197.000 ha thì đến năm 2020 chỉ còn hơn 37.000 ha, giảm hơn 75%. Rồi đến năm 2022, diện tích ước tính chỉ còn 25.000ha và năng suất chỉ khoảng 16 tạ/ha. Như vậy, trong khoảng hơn 10 năm, diện tích trồng giảm đi rất nhanh mà năng suất thì tăng rất chậm. Điều này khiến cho Việt Nam thiếu hụt 3,5 - 5 triệu tấn đậu tương mỗi năm nên cần phải NK.
Xét về nguyên nhân thu hẹp diện tích trồng cây đậu tương ở Việt Nam trong thời gian qua sẽ thấy có một số vấn đề chính. Thứ nhất là cây đậu tương đang trồng là các giống đậu cũ với năng suất thấp, không tập trung, đậu bị nhiễm một số bệnh như nhiễm sắt. Thứ hai là không có diện tích đất trống trồng chuyên biệt cây đậu tương ở quy mô lớn. Và yếu tố thứ ba là có những thời điểm mà giá đậu tương trong nước cao hơn giá NK nên không thể cạnh tranh, dẫn đến thu hẹp diện tích.
Có thể thấy tuy là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam không phát triển được nhiều diện tích trồng đậu tương, đến phải phụ thuộc nguyên liệu NK là một nghịch lý cần được tháo gỡ. Đó là một trong những lý do mà Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN với đậu tương có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn NK.
Để cải thiện diện tích trồng đậu tương trong nước, giới chuyên gia cho rằng đây là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Nhất là cần phải hành động quyết liệt, dấn thân trên cơ sở khoa học căn cơ của 3 nhà: Nhà sản xuất - nhà khoa học và nhà nông.
Chẳng hạn như ở các tỉnh Tây Nguyên được xem là địa phương có triển vọng rất lớn cho việc mở rộng diện tích cây đậu tương. Còn hiện tại, đơn cử như ở Đắk Nông, mỗi vụ, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2.000 ha. Riêng vụ hè thu 2023, tỉnh chỉ có khoảng 1.700 ha.
Chính vì vậy, với chủ trương liên kết 3 nhà, tỉnh Đắk Nông đang thực đặt mục tiêu đạt 3.000 ha đậu tương. Điều này rất cần DN và nhà khoa học tạo ra các giống mới chất lượng cao, liên kết với nông dân nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho cây đậu tương. Cách làm này nên được nhân rộng ra các vùng sinh thái phù hợp khác trên cả nước.
Nói chung, không chỉ đơn thuần là mức thuế suất nhập MFN đối với đậu tương sẽ như thế nào, điều nên làm trong thời gian tới là cần có những định hướng để ngành hàng đậu tương trong nước phát triển diện tích một cách hợp lý hơn. Tuy nhiên, đó còn là một câu chuyện dài. Còn trước mắt, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm “khúc ngoặt” của việc phụ thuộc đậu tương NK khiến cho giá thành TĂCN thường xuyên tăng cao khiến cho hàng triệu hộ chăn nuôi trong nước khó tránh nguy cơ văng khỏi “cuộc chơi”.
Thế Vinh