Chị Nguyễn Thị Thu Hà, 29 tuổi, trú huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) được xem là một trí thức trẻ “bỏ phố về rừng” và đạt được thành công trong việc bán nông sản bản địa qua kênh trực tuyến (online). Đơn cử các sản phẩm cà phê Robusta nguyên chất của chị thường nằm trong top cà phê nguyên chất trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee.
Lan tỏa rộng với chi phí 0 đồng
Đang sở hữu kênh bán hàng có tên là Hana Ban Mê với 1,2 triệu người đăng ký theo dõi trên nền tảng tiktok, chị Hà cho biết thời gian tới sẽ luôn đồng hành cùng với đặc sản vùng quê thông qua việc bán hàng trực tuyến trên tiktok shop, Shopee, cũng như trên trang fanpage.
Một buổi ghi hình, tạo clip ngắn của các tiktoker để hỗ trợ đầu ra cho nông sản bản địa. |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP” diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 15/11 trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2023, chị Hà nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo ra những clip ngắn đưa lên mạng xã hội nhằm làm marketing (tiếp thị), truyền thông cho các sản vật bản địa chỉ với chi phí 0 đồng nhưng lại có mức độ lan tỏa rộng rãi.
“Một khi người tiêu dùng đã biết, hiểu và tin tưởng những sản vật bản địa thông qua các clip ngắn “bắt trend” như vậy, đó cũng là lúc cần tập trung “chốt” sale (bán hàng), chăm sóc khách hàng thông qua các buổi livestream (phát sóng trực tiếp) trên mạng xã hội”, chị Hà nói.
Nữ tiktoker này cho rằng, hiện nay không chỉ các doanh nghiệp (DN) nhỏ như Hana Ban Mê mà rất nhiều những công ty lớn, thương hiệu đình đám cũng ưu ái hơn trên kênh online. Do đó, kênh online thực sự là tiềm năng rất lớn để cho lĩnh vực nông sản bản địa của Việt Nam đẩy mạnh khai thác.
Theo đó, nông dân không chỉ cầm cuốc, mà có thể trở thành những người sáng tạo nội dung để truyền tải đến người tiêu dùng những câu chuyện về sản vật bản địa. Đó là các clip ngắn để kể các câu chuyện từ vườn, từ cách chăm sóc, chẳng hạn như làm sao chọn bơ ngon, làm sao khui sầu riêng…
Như chia sẻ của chị Hà, điều đó được khách hàng quan tâm rất nhiều, giúp khách hàng hiểu hơn sự vất vả của người trồng, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và đồng cảm với những giá trị của nông dân. Đó là cơ hội để khoảng cách của nông dân đến gần hơn với người tiêu dùng.
Xét về tầm quan trọng của livestream để tạo sự đột phá đầu ra cho nông sản bản địa, nhất là các sản phẩm đã được bảo chứng về chất lượng, được chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết tính từ tháng 3/2023 khi Bộ NN&PTNT giao cho Trung tâm trong việc hỗ trợ cho các chủ thể OCOP truyền thông hiệu quả các sản phẩm của địa phương, cho đến quý 4/2023 Trung tâm đã tổ chức 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương với 800 phiên livestream sản phẩm, thu hút hơn 300 triệu lượt xem, qua đó tạo doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.
Vẫn cần liên kết “kiềng 3 chân”
Không chỉ vậy, theo ông Tiến, sau khi Tiktok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam từ tháng 4/2022 thì phía Trung tâm đã tìm ra một phương thức để có thể trợ giúp hiệu quả cho các chủ thể nhỏ. Kể từ đó đến nay, 10.800 sản phẩm OCOP là 10.800 giá trị bản địa, 10.800 quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ được người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp thông qua các buổi livestream của Trung tâm phối hợp với các chủ thể OCOP địa phương.
Đó là chưa kể Hashtag (một loại thẻ siêu dữ liệu được sử dụng rộng rãi trên các trang mạng xã hội) #OCOP cũng không ngừng phát triển với hơn 850 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại.
Để đạt được những kết quả khả quan như vậy cần phải ghi nhận những khoá hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị, giới thiệu bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo do tiktok tổ chức cho hơn 3.000 người bán đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian qua.
Để tiếp tục khơi thông đầu ra cho các sản phẩm OCOP, ông Tiến cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh sẵn có về cộng đồng người dùng cùng trọn bộ giải pháp hỗ trợ bán hàng online hiệu quả. Thông qua đó sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận đa dạng tệp khách hàng tiềm năng, số hóa hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho người kinh doanh và đa dạng hóa đầu ra cho nông sản bản địa của Việt Nam.
Nhất là không chỉ dừng ở nhóm sản phẩm thực phẩm, thời gian tới Bộ NN&PTNT có thể mở rộng ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các địa phương thông qua kênh online.
Và định hướng của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp là không chỉ mời người nổi tiếng, hiện mỗi địa phương Trung tâm đang chọn ra 10-15 chủ thể để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng hỗ trợ tập huấn 1-2 tháng, để trở thành những người chính thức mở kênh bán hàng online.
Còn đứng ở góc nhìn của người có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai đào tạo bán hàng trực tuyến ở cấp độ địa phương tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, lưu ý các chủ thể kinh doanh nông sản bản địa rất cần được đào tạo về công nghệ, cách vận hành kênh bán hàng trực tuyến.
Theo bà Phượng, các chủ thể này không chỉ sản xuất và bán hàng, mà họ cần được đào tạo chuyên sâu để nắm rõ cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng. Điều này cần nhìn vào thực tế ở Đồng Tháp, một địa phương có nhiều quan tâm cho các sản phẩm OCOP, dù có nhiều chủ thể nhưng không phải ai cũng có thể bán hàng online một cách hiệu quả.
Cho nên, như lưu ý của bà Phượng, điều cần làm là thay đổi nhận thức về kinh doanh online từ cấp quản lý cho đến các DN cùng những chủ thể đang kinh doanh nông sản bản địa. Bởi lẽ, kỹ năng bán hàng online không phải ai cũng có, nên cần phải có sự liên kết, tức là phải tìm đến “kiềng ba chân”: Nông dân, người nuôi trồng, sản xuất - DN chế biến - DN bán hàng.
Thế Vinh