Theo nhận định mới đây từ bộ phận phân tích Công ty chứng khoán BSC, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong nước, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chậm lại.
Tìm thấy “cơ trong nguy”
Nhất là khi Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam. Điều này chẳng khác nào tìm thấy “cơ trong nguy”, rõ nhất là trong tháng 1/2023 khi nước này mở cửa lại biên giới giúp giao thương thuận lợi hơn, giảm chi phí cho DN Việt.
Để có thể tiết giảm chi phí trong năm nay đòi hỏi các DN Việt cần tăng mua nguyên phụ liệu trong nước và hạn chế nhập khẩu. |
Đơn cử như XK rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc mỗi tháng từ 300 - 350 triệu USD. Việc nước này mở cửa trở lại đã giúp giao hàng nhanh không chờ, chi phí vận chuyển giảm, tăng chất lượng hàng, giá thành hạ.
Hoặc như với nhập khẩu, giới chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc mở cửa giúp các DN may mặc ở Việt Nam tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn.
Ngoài yếu tố Trung Quốc, cũng cần xét thêm những yếu tố khác để giảm áp lực chi phí cho các DN Việt trong bối cảnh dự báo có nhiều khó khăn trong quý 1 và quý 2/2023.
Như chia sẻ của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tồn kho tại các DN thép hiện vẫn còn nhiều sẽ là yếu tố quan trọng có thể giúp kìm hãm bớt đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng tại nhóm điện nước, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục đi ngang hoặc giảm nhẹ. Điều này nhờ vào việc nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép đã hạ nhiệt, ngành thép vẫn đang trong chu kỳ xuống của ngành. Nhu cầu tiêu thụ thép gặp thách thức lớn trong 2023 khi thị trường bất động sản gặp khó khăn ảnh hưởng đến nguồn cung dự án mới.
Mặt khác, chuyên gia của KBSV cũng kỳ vọng việc Chính Phủ sẽ luôn ưu tiên bình ổn giá xăng dầu trong nước thông qua việc có thể xem xét giảm các loại thuế trên giá bán đầu ra, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại đang nghiên cứu đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực (EVN) để xây dựng lộ trình tăng hợp lý trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát (theo Tổng cục Thống kê ước tính giá điện tăng 10% thì sẽ tác động vào CPI (chỉ số giá tiêu dùng) là 0.33 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, nhiều chính sách giảm thuế hết hiệu lực sẽ khiến giá hàng hóa tăng theo.
Tích cực tìm nguồn nguyên liệu trong nước
Hơn nữa, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo, nên việc VND giảm giá mạnh tháng 9 và 10/2022 sẽ tạo áp lực lớn lạm phát ngay từ quý 1/2023. Đây cũng là một áp lực cho DN trong việc tiết giảm chi phí.
Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này rất cần các các địa phương, cơ quan quản lý tiếp tục giúp các DN nội địa chủ động tiết giảm chi phí, tích cực tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguồn nhập khẩu. Như vậy, DN vừa giảm chi phí đầu vào, chủ động hơn trong sản xuất.
Các DN trong nước cũng đã thấm thía từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài trong thời gian qua khiến cho sản xuất tại nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi sản xuất trên toàn cầu bị ngưng trệ do nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm sản xuất trong một thời gian dài.
Điều đó khiến chi phí vận chuyển hàng hóa đội lên gấp nhiều lần, kèm theo là những chi phí khác cũng tăng cao dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt leo thang. Cho nên, năm nay các DN tiếp tục phải tính toán kế hoạch sản xuất, tăng tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để giảm chi phí vận chuyển và chủ động hơn trong sản xuất.
Trong khuyến nghị gần đây của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng nhấn mạnh là cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung.
Cho nên, để tiết giảm chi phí đòi hỏi các DN cần tăng mua nguyên liệu trong nước và hạn chế nhập khẩu. Việc các DN tăng tìm nguồn nguyên liệu trong nước sẽ là cơ hội tốt cho DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể đầu tư mở rộng sản xuất, tăng công suất. Điều quan trọng là nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước phải cải thiện về chất lượng, số lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhiều DN.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, với các DN nhỏ và vừa thì dòng vốn tương đối khiêm tốn, room tín dụng cũng hạn chế. Trong khi đó, chi phí của họ lại rất dễ gia tăng khi phải đầu tư mới cho chuỗi sản xuất kinh doanh hoặc tái cấu trúc, nâng cấp chuỗi.
Vì vậy, theo ông Dũng, để giảm chi phí đó đòi hỏi các DN xem xét những khoản đầu tư nào cảm thấy có hiệu quả chắc chắn khoảng 70 - 80% thì nên mạnh dạn tìm vốn để đầu tư.
“Các DN cũng chú ý đầu tư vào những công nghệ mới có tính tương thích và vượt trội so với công nghệ cũ, có thể sẽ tốn chi phí ban đầu nhưng hiệu quả mang lại về mặt thị trường sẽ giúp bù đắp đáng kể cho khoản chi phí này và giúp giảm chi phí về dài hạn”, ông Dũng lưu ý.
Thế Vinh