Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sau 2 năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA (từ tháng 8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng năm 2022.
41% doanh nghiệp hưởng lợi từ EVFTA
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, tỷ lệ hàng hóa sử dụng C/O EUR.1 trị giá 178,7 tỷ USD, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu sang EU. Trong đó, giày dép là mặt hàng có giá trị cấp C/O cao nhất; tiếp đến là thủy sản, vali, túi xách... Doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU đa dạng hơn, không chỉ ở các nước có cảng biển, trung tâm phân phối. Các thị trường có kim ngạch sử dụng C/O cao là Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
![]() |
Có tới 34% doanh nghiệp cho biết nhờ nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại may mắn đã đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA. |
Sau 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu sang thị trường này tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong khi sau 2 năm thực thi xuất khẩu sang thị trường CPTPP chỉ tăng 13% so với cùng kỳ (tính 6 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định). Năm 2021, tỷ lệ C/O EUR.1 là 20,2% kim ngạch xuất khẩu gần tương đương AKFTA (24,6%), CPTPP (6,3%), VJEPA (7,7%)…
Để tận dụng hơn nữa cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo xuất khẩu thông suốt, quy tắc xuất xứ. Đồng thời, cần chú ý tới xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, tiêu chuẩn lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc, định vị thương hiệu, xúc tiến thương mại; Cập nhật thông tin nhanh nhạy từ thị trường bởi lạm phát có thể khiến đơn hàng bị suy giảm…
“Cơ hội có nhưng tận dụng được bao nhiêu, tận dụng như thế nào phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, bà Cẩm Trang chia sẻ.
Từ khảo sát của hơn 500 doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện.
Về các tác động thực tế của EVFTA, có tới gần 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Trong số này, lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (với 40-42% doanh nghiệp); tiếp đó là các hiệu ứng như tăng đơn hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận từ cung ứng hàng hóa/dịch vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với EU, hoặc cơ hội hợp tác, liên kết để tận dụng EVFTA (30-37% doanh nghiệp); và cuối cùng là các nhóm lợi ích khác có tính dài hạn như cơ hội đầu tư hay bảo hộ tài sản trí tuệ ở EU (9-12% doanh nghiệp).
Đối với 59% các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong hai năm qua, các lý do phổ biến là chưa có giao dịch nào với đối tác EU trong thời gian này (69%); không biết lợi ích cụ thể nào của Hiệp định để tận dụng (24%); và một số lý do khác xuất phát từ hạn chế chủ quan của doanh nghiệp hay từ các vướng mắc khách quan trong tổ chức thực thi EVFTA của cả EU và Việt Nam (4-7%). Cũng có khoảng 4,2% doanh nghiệp cho biết đã từng chịu thiệt hại từ Hiệp định, chủ yếu ở dạng các chi phí tuân thủ tăng, sản phẩm chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa EU nhập khẩu.
Về sử dụng các ưu đãi thuế quan, có 17% doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 01 lô hàng xuất khẩu, 16% đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi. Đa số họ biết tới các ưu đãi này là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết (73%) và/hoặc được đối tác gợi ý, hỗ trợ tận dụng (36%). Về việc doanh nghiệp đã làm gì để được hưởng ưu đãi, có tới 34% doanh nghiệp cho biết nhờ nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại may mắn đã đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA; chỉ có 13% doanh nghiệp là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.
Với các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu (20-33% doanh nghiệp) hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như GSP hay thuế MFN thấp (18-31%). Tuy nhiên, cũng có một số ít không được hưởng ưu đãi do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan (10-11%) hay thậm chí không biết gì về các ưu đãi này (15%).
Bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh
Đánh giá về tác động của EVFTA và các FTA trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho hay, 76% doanh nghiệp cho rằng các FTA sẽ có tác động tới triển vọng kinh doanh của họ trong 03 năm tới. Trong số này, phần lớn (85%) kỳ vọng tác động này sẽ là tích cực, chỉ có 1% đánh giá bất lợi. Phần lớn kỳ vọng của doanh nghiệp đặt vào khả năng cải thiện trong nguồn cung, lượng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận, tham gia chuỗi giá trị, cơ hội hợp tác (88-92%).
![]() |
Gạo Việt đang xây dựng thương hiệu ở Pháp. |
Tỷ lệ rất cao này một mặt sẽ là động lực để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, hành động nhằm hiện thực hóa kỳ vọng; mặt khác có thể tạo ra rủi ro nhất định từ nguy cơ lạc quan thái quá. Về lực cản có thể khiến doanh nghiệp khó hưởng lợi, phổ biến nhất là những biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40%).
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu, chia sẻ thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường… Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng.
EU là thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe cho hàng nông sản. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải, chanh leo… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lô hàng thực phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hoặc có vấn đề về xuất xứ. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phàn nàn thời gian qua, Thương vụ, Đại sứ quán đã sắp xếp nhiều chương trình làm việc cho các đoàn công tác của các địa phương, doanh nghiệp với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp sở tại và cũng có không ít lần báo hoãn, hủy. Thông thường các cuộc làm việc phải được sắp xếp từ 1,5 đến 2 tháng trước thời gian dự kiến công tác. Tuy nhiên, các đoàn công tác của Việt Nam hay đề nghị thu xếp các cuộc làm việc rất sát và sau đó lại hoãn thậm chí hủy không có lý do hoặc do không kịp xin visa. Thương vụ đề nghị các địa phương, doanh nghiệp nên có kế hoạch công tác sớm bao gồm nội dung làm việc, hậu cần để Thương vụ hỗ trợ đoàn công tác đạt hiệu quả nhất.
Nhật Linh