Bộ NN&PTNT đánh giá, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc hiện tại đã diễn ra bình thường nhưng tốc độ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.
Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc sẽ tăng cao vào đầu tháng 4/2020, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi (Ảnh: Internet) |
Hiện, Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm.
Để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc đặc biệt chú trọng khôi phục vận hành bình thường của hoạt động logistics, chuyển phát nhanh hàng hóa nhằm giải phóng sức tiêu thụ ở trong nước, giao thông đường bộ đi lại trên toàn quốc về cơ bản đã thông suốt.
Đồng thời, ngoài các biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.
Về tình hình xuất nông sản sang Trung Quốc, theo thống kê của các địa phương những ngày gần đây, tại Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe hàng nằm chờ thông quan, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu. Tuy nhiên tại Quảng Ninh, tình hình thông quan khá thông suốt, cửa khẩu Móng Cái thông quan trong nửa đầu tháng 3 là 169 container hoa quả (thanh long, xoài, mít, chuối) tương đương 3.524 tấn, 290 container bột sắn tương đương 10.046 tấn, 165 container thủy hải sản tươi sống tương đương 1.586 tấn, không có hoa quả tồn qua ngày.
Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, kiến nghị UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm hải quan, kiểm dịch và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuâṇ lợi thủ tục thông quan, không để ứ đong ̣hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản.
Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa hàng hóa nhiều lên các tỉnh biên giới tạo ùn tắc, ứ đọng hàng hóa.
Đối với tiêu thụ trong nước, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch rau, củ, quả; vận động mạnh mẽ phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông sản; hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm và lưu thông sản phẩm với chi phí tối thiểu.
Lê Thúy