Tại tọa đàm Báo cáo Tổng quan Kinh tế giữa kỳ 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia sáng 11/7, ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phát triển đồng đều; giảm bớt phụ thuộc vào một số nhóm mặt hàng. Tận dụng được xung đột thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động |
Chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Lạm phát và tỷ giá được kiểm soát và điều chỉnh ở mức thấp là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Về dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2019, ông Đức Anh cho biết, xuất nhập khẩu được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia vào các hiệp định thương mại. Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc bị đánh thuế cao vào thị trường Mỹ. Một số dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn (thép, lọc hóa dầu, ô tô) sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, tăng trưởng cũng tiềm ẩn những thách thức như nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao. Xuất khẩu nông sản dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh và hàng rào thương mại. Dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát và tỷ giá. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ phía nhà đầu tư nước ngoài và tác động tiêu cực do chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động.
Giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA chậm, môi trường kinh doanh chưa có chuyển biến rõ nét, khu vực doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất nhỏ, hoạt động trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị...
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là 6,6 - 6,8%.
Lê Thúy