Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, trong đó tăng trưởng quý II/2019 ước đạt 6,71% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn giai đoạn 2011 – 2017. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Vì sao tăng trưởng giảm?
Lý giải nguyên nhân khiến GDP tăng thấp, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết ngành nông nghiệp còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng với tổng số lợn tiêu hủy chiếm tới 10% tổng đàn nên giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018.
Ngành nông nghiệp đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 11,18%, tuy nhiên thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018.
Đại diện Tổng cục Thống kê dự báo, từ nay đến cuối năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khó có thể duy trì mức tăng trưởng hai con số cũng như đạt mức tăng trưởng cao như năm 2018.
Qua theo dõi về tình hình phát triển của ngành này, ông Lâm đưa ra một số động lực để duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, ở lĩnh vực hóa dầu, hiện công suất Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới đạt 60% vì khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu trong nước vẫn còn hợp đồng ký kết nhập khẩu xăng dầu từ trước nên không mua nguyên liệu trong nước.
Vì vậy, nếu có giải pháp để các DN xăng dầu trong nước mua sản phẩm của Nghi Sơn sẽ là động lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 67.000 DN đăng ký thành lập mới, 21,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục ở mức cao, với 50,7 nghìn DN.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 cho thấy vẫn còn 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn. Như vậy, môi trường kinh doanh cần phải tiếp tục cải thiện.
Về lĩnh vực dịch vụ, tính chung 6 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng khách đang có xu hướng giảm dần, tháng 6 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm.
So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 chỉ tăng 0,2%. Đồng thời, tốc độ tăng lượng khách trong 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng giai đoạn 2016 – 2018. Theo đánh giá, đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Công nghiệp chế biến – chế tạo khó duy trì mức tăng trưởng hai con số |
Xuất khẩu lo bị trừng phạt thuế
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (XK) ước tính đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,8%, chiếm 30% tổng kim ngạch XK; có 22 mặt hàng đạt giá trị XK trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch XK.
Trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, việc đạt kim ngạch XK trên là con số ấn tượng nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đáng lo nhất là nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để XK sang Mỹ, nhằm tránh trừng phạt thuế.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê, cho biết hiện nay vốn Trung Quốc vào Việt Nam có sự tăng đột biến với tổng đầu tư cấp mới, tăng thêm, mua cổ phần là 7,5 tỷ USD, trong đó Hồng Kông là 5,3 tỷ USD, Trung Quốc là 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, trong năm 2017, cả Trung Quốc và Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ 3,7 tỷ USD, năm 2018 là 5,8 tỷ USD.
Ông Phong chỉ ra nhiều thách thức lớn đối với nguồn vốn này, đó là FDI từ Trung Quốc vào, Việt Nam có thể thành cứ điểm của nhà đầu tư Trung Quốc, nhập hàng Trung Quốc vào Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ. Điều này vô tình khiến Việt Nam vi phạm cam kết về nguồn gốc xuất xứ, Mỹ có thể xem xét để trừng phạt thương mại.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là áp lực với DN trong nước. Hiện nay, Việt Nam đạt được nhiều thỏa thuận FTA với các quốc gia, nếu DN Việt cạnh tranh không tốt, vô tình DN nước ngoài hưởng lợi.
Theo đó, ông Phong khuyến cáo, Việt Nam cần xây dựng kịch bản để đối phó với bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao, có chọn lọc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, XK của Việt Nam tăng khá mạnh, đặc biệt là một số mặt hàng XK sang Mỹ. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với một số bộ ngành để có giải pháp loại trừ gian lận thương mại, tránh tình trạng hàng nhập khẩu chỉ sơ chế chút ít rồi xuất sang Mỹ. Nếu không làm được điều này, Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt thương mại.
Lo ngại tăng trưởng XK có thể bị ảnh hưởng bởi gian lận thương mại, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, cho hay tới thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào của Việt Nam khẳng định chắc chắn mặt hàng nào có gian lận thực sự, tuy nhiên Bộ Công Thương đưa ra 8 mặt hàng có nguy cơ gian lận là gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, nhôm, máy tính, nhựa và xe đạp. Đây là những mặt hàng cần được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, ông Tiến cho rằng, cơ hội và thách thức do FTA đem lại là 50 – 50. Cơ hội chỉ đạt được khi đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của hiệp định, nếu không thì đó lại là thách thức.
"Để tận dụng được cơ hội, không có con đường nào khác là DN phải đổi mới cách quản lý, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Tiến khuyến nghị.
Lê Thúy
Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế FDI là một phần hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải thừa nhận. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA, do vậy phải sẵn sàng thu hút FDI. Tuy nhiên, Việt Nam phải thu hút có chọn lọc, đổi mới cách thức thu hút gắn với công nghệ cao, giá trị gia tăng, liên kết với DN vừa và nhỏ và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Không chỉ hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam cũng đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Hàn Quốc, sau đó chế biến, chế tạo. Hàng đó sản xuất ở Việt Nam nhưng chúng ta chỉ đảm nhiệm công đoạn lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Tổng cục Thống kê đang tính toán, đưa ra quy định xem hàng sản xuất như vậy có phải là hàng Việt Nam, được gắn mác Việt Nam hay không. Để xử lý, chúng tôi cần nhiều thông tin từ phía Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước. Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đối với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam đón nhận cả thách thức lẫn cơ hội. Vấn đề là Chính phủ, các bộ ngành phải tỉnh táo để tận dụng cơ hội mà vẫn có giải pháp tránh việc đầu tư lẩn tránh, lợi dụng xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam. Bộ KH&ĐT sẽ nắm bắt thường xuyên, cập nhật để hạn chế tối thiểu tác động ngược chiều không mong muốn mà căng thẳng Mỹ – Trung mang lại. |