Ở góc độ một doanh nghiệp (DN) sản xuất bột mì từ lúa mì nhập khẩu (NK), ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc CTCP bột mì Bình An – Vinabotmi, cho biết phía DN đang phải vất vả đối mặt với vấn đề kiểm dịch thực vật theo yêu cầu mới đây của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT đối với cỏ dại Cirsium Arvense có trong lúa mì NK.
Gây nhiều khó khăn
"Lúa mì đang tiêu thụ ở trong nước ngày càng nhiều. Qua các số liệu thống kê trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã NK hơn 3 triệu tấn lúa mì. Cho nên quy định kiểm dịch là vấn đề rất lớn vì tác động vào đời sống, từ bữa ăn cho đến các nguyên liệu bột mì để chế biến mì ăn liền, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi và nhiều ngành công nghiệp chế biến khác…", ông Hiếu nói.
Vì vậy, quy định mới nhất của Cục BVTV là bắt đầu từ ngày 1/11/2018, "DN NK các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (cụ thể lúa mì) bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense sẽ bị tạm ngừng NK và áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất", theo ông Hiếu, đang gây nhiều khó khăn cho phía DN.
Tại hội thảo "Khó khăn của DN Việt khi NK lúa mì" do Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) tổ chức ở Tp.HCM ngày 8/10, Phó Tổng Giám đốc Vinabotmi, cho rằng DN khó xoay chuyển trước yêu cầu gấp rút như vậy, chưa thể tìm kiếm nguồn thay thế được vì chất lượng và số lượng. Điều này sẽ khiến các DN không có nguồn nguyên liệu lúa mì để sản xuất chế biến bột mì nhằm cung cấp ra thị trường.
Được biết, nguyên nhân của quy định mới đầy tính đột ngột của Cục BVTV xuất phát từ việc tháng 5/2018, cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện đối tượng phải kiểm dịch thực vật là cỏ dại Cirsium Arvense có trong lúa mì NK vào Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng loại cỏ này gây hại cho cây trồng, gây hại tới môi trường và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Với lệnh cấm trên sắp tới, khả năng nhiều lô lúa mì NK từ các thị trường chính trong 8 tháng đầu năm như Nga (chiếm 53% thị phần), Australia (chiếm 25%), Canada (chiếm 9%), Mỹ (chiếm 4%) và Brazil (chiếm 2%)… nếu có chứa cỏ Cirsium Arvense có thể phải buộc tái xuất.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cho biết đang nhận được rất nhiều phản ánh của các DN trong ngành thực phẩm về những khó khăn phải đối mặt trước quy định mới nêu trên.
Câu hỏi đặt ra là loại cỏ Cirsium Arvense này độc hại như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đến môi trường nông nghiệp Việt Nam? Ngoài ra, nếu đột ngột cấm NK lúa mì, các DN Việt Nam sẽ thiệt hại lớn đến mức nào trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay?
Theo bà Chi, quy định mới làm nhiều DN lúng túng vì không biết nên phải làm gì trong thời gian tới, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, hàng chục năm nay, Việt Nam NK nguyên liệu lúa mì vẫn chưa bao giờ thấy có vấn đề gì phát sinh về môi trường đối với loại cỏ Cirsium Arvens.
![]() |
Việc đột ngột "siết" kiểm dịch lúa mì nhập khẩu gây khó cho DN |
Làm đảo lộn sản xuất
Đánh giá quy định mới của Cục BVTV có thể gây đảo lộn đời sống và hoạt động sản xuất của các DN, Ts. Trần Duy Khanh cho rằng điều này không chỉ ảnh hưởng đến các DN sản xuất bột mì mà còn ảnh hưởng đến tất cả những ngành có dùng đến nguyên liệu bột mì, thậm chí sẽ phải đóng cửa.
"Rõ ràng chúng ta có thói quen không quản được thì cấm. Điều này chỉ thể hiện năng lực và ý thức kém của cơ quan quản lý", Ts Trần Duy Khanh bức xúc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM, cho rằng quy định từ Cục BVTV là sự cảnh giác quá cao độ, nhưng liệu nó có phù hợp hay không?
Thứ nhất, nếu chúng ta cấm thì tại sao các quốc gia lân cận không cấm? Thứ hai, từ lâu nay Việt Nam NK lúa mì từ Mỹ, Canada, nếu có để lọt loại cỏ độc ra thị trường thì đã lọt từ lâu chứ không phải cho đến hiện nay. Cho nên nếu có cấm như bây giờ thì cũng không có ý nghĩa gì.
"Như vậy, vấn đề đặt ra là có cần thiết đưa ra quy định kiểm dịch như vậy hay không, trong khi có nhiều vấn đề mà chúng ta còn cần phải quan tâm hơn như tình trạng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong cây trồng hay tiêm thuốc an thần vào gia súc so với vấn đề từ cỏ Cirsium Arvense có trong lúa mì NK. Đâu là cái cần ưu tiên kiểm tra hơn?", bà Lan nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo bà Lan, nếu như cỏ Cirsium Arvense có thực sự gây hại thì trình tự pháp lý chúng ta đang làm có phù hợp hay không. Bởi ở Nghị định 116 quy định về thực hiện luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã quy định rất rõ là trong những trường hợp gây hại cho quần thể thực vật Việt Nam thì trách nhiệm ban hành cấm NK và các vấn đề xử lý là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
"Trong khi đó, hiện mới thấy chỉ có quy định từ Cục BVTV, rồi ở dưới là các chi cục vùng để rồi áp dụng thời hạn kiểm dịch từ 1/11/2018, như vậy có gấp rút quá hay không, trong khi đây chưa phải là trường hợp đặc biệt khẩn cấp. Điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho phía DN", bà Lan đặt vấn đề.
Thế Vinh