Trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đang được nhiều nông dân của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương áp dụng, bởi mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm vải thiều với người tiêu dùng, từ đó hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết sau nhiều năm nỗ lực xây dựng chỉ dẫn địa lý, tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, đến nay, quả vải của Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho 13 vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc và các nước EU với 132ha. Hiện, người tiêu dùng có thể thực hiện việc truy xuất nguồn gốc bằng tem QR code cho sản phẩm vải của 25/25 xã huyện Thanh Hà với diện tích 3.865ha vải (vải sớm 1.300ha, vải thiều 2.565ha).
Trên quy mô tỉnh, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, về đầu ra cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, hiện Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Gia-DOVECO (Ninh Bình) cam kết sẽ thu mua 10.000 tấn vải cho tỉnh. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng dự kiến xuất khẩu vải thiều Hải Dương với số lượng lớn. Điển hình như Công ty TNHH Hưng Việt (dự tính xuất đi Trung Quốc 1.000- 2.000 tấn), Công ty XNK Nông sản Thanh Hà (đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 120 tấn; thị trường Anh, Úc, Pháp khoảng 45-60 tấn; thị trường Thái Lan khoảng 50 tấn). Ngoài ra, vải Thanh Hà cũng sẽ được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo Chủ tịch huyện Thanh Hà, việc tiêu thụ sản phẩm theo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn do thói quen tiêu dùng dễ dãi, người dân chưa hướng tới việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là các loại quả nông sản ăn tươi. Mặt khác, tình trạng trà trộn vải các nơi khác với vải thiều Thanh Hà, vải thiều đại trà với vải thiều VietGAP, đã làm cho sản xuất vải thiều nói chung và sản xuất vải thiều theo VietGAP nói riêng vẫn gặp khó.
Công Trí