Hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các đối tác quốc tế – những người bạn đồng hành với Chính phủ trong nhiều năm qua đã tới tham dự Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chúng ta gặp nhau hôm nay là để nhìn lại những kết quả đạt được, đồng thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua, từ đó cùng nhau tìm giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN phát triển, đóng góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Mệt mỏi với thanh, kiểm tra thuế
Đại diện cho cộng đồng DN trong nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các DN.
Dù vậy, ông Lộc cho biết, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương.
Trong đó, VCCI kiến nghị cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN. Kết quả đầu ra PCI năm 2018 cho thấy có 16% DN cho biết phải chờ hơn một tháng mới có đủ tất cả giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận (GCN) đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều DN gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài GCN đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động: 34% DN gặp khó khăn khi xin các GCN đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN gặp khó khăn khi xin GCN phòng cháy chữa cháy, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp GCN phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại GCN khác.
Phản ánh của DN trong nước qua điều tra của VCCI cũng cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%), đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy chữa cháy (22%).
“Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường”, ông Lộc kiến nghị.
Ở góc độ nhà đầu tư, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ (AmCham), phản ánh những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực thuế và hải quan điện tử đã thể hiện cam kết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc giảm bớt gánh nặng ở giai đoạn kê khai và các chương trình này đã giúp tiết kiệm thời gian cho các DN. Tuy nhiên, DN Mỹ phải đối mặt với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra và thanh tra về thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam.
Theo AmCham, chính sách thuế và việc triển khai công bằng là yếu tố quan trọng để thu hút những nguồn đầu tư mới, đồng thời giúp duy trì và phát triển các nguồn đầu tư hiện có.
Bên cạnh đó, AmCham cũng lo ngại sự thay đổi thường xuyên các quy định và chính sách thường gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư buộc phải dừng hoạt động kinh doanh đã được cấp phép do sự xuất hiện của các quy định mới.
AmCham khuyến nghị, Luật Đầu tư sửa đổi nên ban hành các điều khoản bảo vệ những hoạt động kinh doanh đã được cấp phép trong các giấy phép hiện có. Cụ thể, các hoạt động kinh doanh, điều khoản và điều kiện trong giấy phép đầu tư hoặc GCN đăng ký kinh doanh cần được bảo vệ trước những thay đổi về quy định.
Trong khi đó, kiến nghị về điều chỉnh đối tượng áp dụng quy định về thuế đối với hoạt động chuyển giá, đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham) cho biết, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, đối tượng phải nộp báo cáo chuyển giá là DN có doanh thu trong năm khoảng 2,24 triệu USD (50 tỷ đồng) trở lên, giao dịch với các DN liên kết 1,35 triệu USD (30 tỷ đồng). Các DN vừa và nhỏ, chiếm phần lớn trong số các DN FDI với tư cách là đối tượng phải nộp báo cáo, đang chịu gánh nặng lớn trong việc đáp ứng các quy định này.
![]() |
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 |
Cùng hành động nhanh hơn
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của các bên tư nhân. Tuy nhiên, những nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình đối tác công – tư (PPP) hiện tại. Để khuyến khích các DN nước ngoài tham gia các dự án PPP, Chính phủ cần làm rõ sự phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và các bên tư nhân và hỗ trợ toàn diện cho bên tư nhân nhằm đảm bảo sự hoàn vốn hợp lý từ khoản đầu tư.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang ở ngã ba đường, sẽ đi theo hướng nào, liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay đi đúng hướng để thành nước phát triển.
“Việt Nam thực sự có thể tận dụng, nắm bắt những cơ hội của thời đại hay không, vì những cơ hội này không đương nhiên mà có, yêu cầu chúng ta phải nắm bắt nó vào đúng thời điểm, nó là nhân tố quan trọng để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh từ “nắm bắt” cơ hội.
Theo đại diện WB, quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng DN rất quan trọng. Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách nhưng trong bối cảnh này cần đẩy nhanh hơn. Cải cách sẽ giúp Việt Nam có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, có năng lực chống chọi mạnh mẽ với những bất ổn trên thị trường thế giới.
“Chính phủ và DN cùng hành động, cùng nhau để có nền tảng chung để xác lập một tương lai tươi sáng cho Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.
Khẳng định Việt Nam muốn trở thành công xưởng xanh của thế giới, chứ không phải công xưởng của lao động giản đơn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng hành trình hợp tác giữa Chính phủ và DN sẽ giúp chúng ta vượt qua ngã ba đường, tiến thẳng tới mục tiêu thịnh vượng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của DN”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Thúy
Phó Thủ tướng - Trịnh Đình Dũng Việt Nam phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cộng đồng DN chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội của DN phải được xây dựng trên ba khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức. Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại (VBF) - Frederick Burke Việt Nam đã có những nỗ lực để nới lỏng một số quy định về đầu tư. Tuy nhiên, một số thay đổi pháp lý được đề xuất và thực hiện gần đây vẫn cho thấy những kết quả đáng lo ngại đối với môi trường đầu tư kinh doanh và một số quy định có khả năng cản trở tăng trưởng bền vững. Giám đốc Quốc gia WB - Ousmane Dione Mối quan hệ giữa cộng đồng DN và Chính phủ giống như cặp vợ chồng trẻ nắm tay nhau hướng tới tương lai giàu có và thịnh vượng. Trong đó, phải có một cái đầu lạnh để tiến hành cải cách phù hợp, đưa ra quyết định kịp thời, xác định con đường rõ nét. Có một trái tim – tấm lòng giúp cho Việt Nam phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của khu vực tư nhân không thể bị đánh giá thấp. |