Adani – một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ của tỷ phú Gautam Adani – người được biết đến với khối tài sản nhất nhì châu Á đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.
Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương phải chủ động mời gọi đầu tư
“Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD”, ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani cam kết trong gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra mới đây.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần chủ động tiếp cận, trao đổi với các tập đoàn lớn về các gói ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao. |
Cũng trong tháng 5/2023, Apple của tỷ phú thế giới Tim Cook đã công bố sự kiện ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, ông Steve Biegun, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing (Mỹ) vừa có cam kết với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: Làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; Hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải; Đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Điều này cho thấy, các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã và đang chủ động hướng đến việc chào mời đầu tư từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần chủ động tiếp cận, trao đổi với các tập đoàn lớn về các gói ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
“Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động tìm kiếm, chọn lọc, tiếp cận, trao đổi, quảng bá cơ hội, vận động các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam, hoặc thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để thu hút đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Những yêu cầu của Thủ tướng là rất cần thiết đặt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19 ngày càng gay gắt; việc các nước phối hợp xây dựng các quy tắc quản trị toàn cầu, trong đó có lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024; xu hướng đẩy mạnh điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu; sự thay đổi chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia... đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam.
Đáng chú ý, thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra lo ngại khi các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm nay.
Tìm cách vào chuỗi của 'ông lớn'
Đồng thời, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.
Quan trọng hơn, việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới cần phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội tại trong nước, từ đó tham gia vào chuỗi sản xuất của họ. Như trường hợp chuỗi cung ứng của Boeing, hiện có một số nhà cung cấp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại nhưng các doanh nghiệp thuần Việt mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.
Tương tự với Apple, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi của Apple.
Nguyên nhân được bà Hương chỉ ra một phần là do các tập đoàn đó đã kéo theo một loạt chuỗi cung ứng đi theo, cũng như để trở thành mắt xích trong chuỗi thì doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy.
Trước thách thức này, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối có hiệu quả với doanh nghiệp FDI theo chuỗi cung ứng sản phẩm, Chính phủ cần từ một số mô hình thành công trong việc hợp tác giữa các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước như Samsung, Honda để nhân rộng ra nhiều địa phương, ban hành chính sách khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp nhằm tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đối với khu vực FDI, Nhà nước cần có chính sách và cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính đối với những doanh nghiệp FDI có nhiều doanh nghiệp trong nước làm công nghiệp hỗ trợ là vendor cấp I; đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi thuế và tài chính đối với doanh nghiệp Việt Nam là vendor cấp I như đối với doanh nghiệp FDI.
Trong Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cho từng Bộ, ngành liên quan như Bộ KH&ĐT báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực; Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế phối hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài để đào tạo theo đơn đặt hàng; Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam trình vào Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Đáng chú ý, với Bộ TT&TT, Thủ tướng yêu cầu trong quý III/2023 phải nghiên cứu, đề xuất khung chính sách thử nghiệm và giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ số (techfirm) hàng đầu thế giới vào Việt Nam…
Lê Thúy