Trong hơn 3 thập kỷ qua, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam đã phát triển bùng nổ, tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước đã có hàng triệu doanh nhân, gần 800 nghìn DN, 5,4 triệu hộ kinh doanh.
Bán tài sản... để lo đời sống công nhân
Trong bối cảnh dịch COVID-19, một thử thách chưa từng có tiền lệ, nhiều doanh nhân đã vì DN, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì DN, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ kép khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân.
![]() |
Sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ là động lực để doanh nhân Việt thực hiện khát vọng của mình. |
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, đơn hàng xuất khẩu của DN sụt giảm nghiêm trọng, mất hẳn hai thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh thu sụt giảm tới 50% so với 2019. Trong khi đó, chi phí không giảm nên DN nên rất khốn khó".
Trong hoàn cảnh khó khăn này, ông chủ công ty Kim Vĩnh Thắng đã phải bán đất cùng nhiều tài sản giá trị khác để có tiền trả lương cho công nhân, tìm phương án kinh doanh mới vượt qua đại dịch. "Trách nhiệm lớn nhất của DN là phải lo đời sống của người lao động. Người lao động sống tốt đồng nghĩa với việc DN còn có cơ hội để bước tiếp. Chúng tôi hy vọng rằng kinh tế sớm khôi phục, DN trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường".
Nói tới tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua không thể không nhắc tới ngành du lịch. Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Việt, cho biết dịch bệnh khiến DN này điêu đứng. Để cầm cự, ông phải bán nhà, xe ô tô... Mục tiêu làm cách nào để nhân viên có việc làm, không phải nghỉ việc trở thành cốt lõi.
"Chúng tôi đã chuyển hướng ngành nghề như bán dưa hấu, nước rửa tay, gạo... Đặc biệt là sản xuất khẩu trang", ông Long nói.
Theo đại diện Du lịch Việt, với những nỗ lực sản xuất khẩu trang, từ việc nhập những chiếc máy đầu tiên, rồi tìm nguồn nguyên liệu, tìm thị trường… Đến giờ, DN của ông đã xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, găng tay sang Mỹ với những đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn, bộ tiêu chí cho sản phẩm xuất khẩu.
"Vừa qua, DN đã ký được hợp đồng cung cấp khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế cho hơn 300 bệnh viện ở Mỹ, nhân sự của công ty du lịch trước đây giờ cũng đã quay trở lại khoảng 50-60%, DN đang dần ổn định trở lại", ông Trần Văn Long chia sẻ.
Nhìn nhận dịch COVID-19 tác động tới hầu hết các DN, song ông Trần Việt Cường, Tổng Giám đốc công ty TNHH sản xuất và phân phối Ca cao Đồng Nai, cho rằng trong nguy ắt sẽ có cơ hội. Cơ hội đầu tiên mà ông nhìn thấy đó là Hiệp định EVFTA có hiệu lực đúng vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, mở ra một "con đường cao tốc" cho nông sản nói riêng và hàng Việt Nam nói chung, xuất khẩu vào thị trường EU với thuế suất bằng 0%. Đây được xem là "cánh cửa" cứu nguy, vực dậy nhiều DN.
Đồng thời, đây cũng là thời điểm để nhiều DN nhìn lại nội lực, sức khoẻ của mình để định hướng phát triển lâu dài. "Tôi nhìn nhận, doanh nhân Việt đang làm ở tâm thế chắn chắn, tầm nhìn dài hạn chứ không bộc phát, "bóc ngắn, cắn dài" như xưa. Đặc biệt, ý thức hơn việc quản trị, áp dụng công nghệ như thế nào cho hiệu quả", ông Cường nói.
Cần sự đồng hành của Chính phủ
Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều DN, kỳ vọng phát triển rầm rộ trong thời gian tới. Ông Cường cho biết, để ứng phó với dịch COVID-19, DN đã triển khai mô hình văn phòng làm việc 3D - nhân viên làm việc tại nhà nhưng không gian giống hệt trong văn phòng, "ảo mà như thật".
Để DN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, Tổng Giám đốc công ty Ca cao Đồng Nai kiến nghị, Nhà nước tạo điều kiện để DN thực hiện chuyển đổi số, thủ tục bớt hành chính, thay vào đó là Chính phủ điện tử.
Cụ thể, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi về thuế chuyển đổi số cho các DN thực hiện chuyển đổi số, phần ưu đãi này DN sẽ quay ra giảm giá thành, giá bán trong việc cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Hay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần có các gói tín dụng ưu đãi cho DN vay với lãi suất thấp.
"Tôi mong muốn, Chính phủ đồng hành nhiều hơn với DN, vì DN là "nôi phát triển", tạo công ăn việc làm, của cải và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của cả đất nước", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần có lưu tâm hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch COVID-19. Thực tế, doanh nhân cũng rất nản nếu không nhận được sự quan tâm, thậm chí nhiều khi là chạnh lòng so với các DN FDI - bởi họ được hỗ trợ nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, DN hết xoay sở với nỗi lo nguyên liệu đầu vào lại phải giải quyết vấn đề đầu ra, để đảm bảo phát triển của công ty và thu nhập của người lao động.
"Để duy trì sản xuất cũng như bù lượng đơn hàng truyền thống thiếu hụt, chúng tôi nhận bất cứ cái gì có thể đưa vào máy may, miễn là có việc cho người lao động. Trong bối cảnh chung của đại dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên giống như những người lính trong thời bình. Những người đứng đầu DN phải cố gắng thực hiện sứ mệnh của một doanh nhân là bảo toàn nguồn nhân lực đồng thời góp phần xây dựng vào sự giàu mạnh của quốc gia", ông Việt nói.
Theo lãnh đạo May 10, năm nay có thể là năm cực kỳ nguy hiểm cho ngành dệt may vì không ai dự báo trước được tương lai. Vì vậy, DN mong Chính phủ nới lỏng những điều kiện trong các giải pháp hỗ trợ như cho vay tiền không lãi suất để trả lương người lao động; cũng như hoãn, giãn việc đóng bảo hiểm xã hội để DN có nguồn tiền thực hiện chi trả lương, cố gắng giữ chân người lao động.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế Có thể nói chưa bao giờ cộng đồng DN lại lâm vào tình cảnh khó khăn như năm nay vì tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Khó khăn của DN không hẳn chỉ đến từ trong nước, từ giãn cách xã hội mà còn một phần do thị trường thế giới, khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng giảm mạnh. Trong hoàn cảnh này, DN rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ hạn chế của gói hỗ trợ lần một, Chính phủ cần phải điều chỉnh những quy định bất hợp lý, xem xét điều chỉnh lại các lĩnh vực cần được hỗ trợ.
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Cộng đồng DN kỳ vọng việc tiếp tục hoàn thiện một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch để phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm. Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết căn nguyên gốc rễ của tình trạng tham nhũng, tạo nhiều động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các DN Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng DN nhưng có lẽ chưa thay đổi kịp thời với tốc độ của diễn biến thực tế. Đại dịch COVID-19 mặc dù tác động nghiêm trọng rất lớn tới DN song cơ hội không phải là không có. Vì vậy chúng ta cần tận dụng nhanh nếu không sẽ bỏ lỡ. |
Lê Thúy