Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Xuất khẩu lo lỗ vì... giá xăng, dầu
Chiều ngày 21/2, sau khi được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít, lên 25.532 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít, lên 26.287 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu tăng từ 273 - 936 đồng/lít/kg.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa làm đã lo lỗ vì giá xăng dầu tăng mạnh. |
Đại diện Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, theo điều tra năm 2021 của cơ quan này, giá xăng dầu trong nước chiếm 2-3,5% tổng chi phí sản xuất, nên khi xăng dầu tăng giá thì tất cả các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu - áp lực tăng giá xăng dầu rất lớn. Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác có thời gian tới tháng 9/2022. Vì vậy, giá cả đã chốt xong, giờ không thể thay đổi.
Ngay khi xây dựng kế hoạch đàm phán hợp đồng, nhận đơn hàng, VitaJean đã tính tới những yếu tố có thể làm đội chi phí sản xuất như giá xăng dầu, giá nhân công, nguyên vật liệu.... Tuy nhiên, "đến nay giá xăng dầu đang tăng nhanh ngoài tính toán của doanh nghiệp", ông Việt cho biết.
Trước áp lực của giá dầu thô trên thị trường thế giới, Tổng giám đốc VitaJean lo ngại, chi phí logistics sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong tháng 3 hoặc tháng 4. Hiện, giá logistics vận chuyển đi Mỹ là 20.000 USD/container, châu Âu dao động trong khoảng 17.000 - 18.000 USD/container.
Ông Việt cho biết, xăng dầu tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chi phí xuất khẩu, chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Phần lớn nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều đó, đồng nghĩa doanh nghiệp này có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng đã ký. "Tuy nhiên, doanh nghiệp có lỗ thì chúng tôi vẫn phải làm vì để giữ đơn hàng, đối tác khi thị trường mới hồi phục", ông Việt nói.
Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Phúc Sinh ước tính tăng trưởng xuất khẩu cà phê năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 30-40%. Nhu cầu thị trường thế giới tăng lên, sản lượng Việt Nam có nhưng vấn đề đang gặp phải là cước vận chuyển quá cao. Hiện, chi phí vận chuyển đắt hơn 10-12 lần so với bình thường. Sắp tới có thể tiếp tục tăng thêm do giá dầu thô tăng mạnh.
Khó hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước
Trước tình hình trên, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước cho rằng doanh nghiệp này đã tính toán rất kỹ và khá thận trọng trong việc nhận thêm đơn hàng mới. Thực tế cho thấy, việc giá xăng dầu trong nước tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp vì xăng dầu là chi phí đầu vào của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần phải có giải pháp bình ổn thị trường.
Những ngày gần đây, nhiều tàu cá cũng phải nằm bờ do chi phí xăng dầu quá lớn, thu không đủ bù chi, ngư dân không còn mặn mà bám biển.
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng dựa vào nguyên liệu nhập khẩu nên sẽ chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm vẫn ở mức cao... khiến chi phí đầu vào sản xuất trong nước tăng.
Dẫn đến, doanh nghiệp lại thành đối tượng chịu ảnh hưởng nặng thay vì hưởng lợi. Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu - công cụ điều hành thị trường trong nước gần như cạn kiệt. Vì vậy, để giảm giá xăng dầu chỉ có cách giảm thuế, phí mặt hàng này, đặc biệt đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92.
Chỉ rõ bất cập của thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhìn nhận, thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92 là vấn đề tranh cãi trong thời gian qua. Thực tế, chúng ta khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng thân thiện môi trường nhưng lại không có bất cứ một ưu đãi gì về thuế với mặt hàng này, vì vậy nhà điều hành đã liên tục chi Quỹ BOG ở mức cao với xăng E5RON 92 để tạo chênh lệch giá giữa mặt hàng này với xăng RON 95 là 1.000 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG thì mức chênh lệch giữa hai loại xăng này chỉ 400 đồng/lít).
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng chính việc chi quỹ BOG quá cao cho xăng E5RON 92 đã phần nào khiến số dư từ Quỹ BOG bị giảm không ít trong thời gian qua. Đây là bất cập.
Do vậy, ông Bảo cho rằng trong bối cảnh mà nguồn lực từ Quỹ BOG không còn nhiều, giờ chỉ có phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92. Tuy nhiên, hiện nay Ngân sách Nhà nước cũng đang chịu áp lực. Do vậy, việc giảm thuế, phí nói chung cũng như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON 92 là khá khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, với các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và doanh nghiệp nói chung, việc triển khai các giải pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đổi mới phương pháp quản trị có lẽ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay.
Nhật Linh