Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc CTCP sản xuất và xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn, cho biết trong khi chúng ta đang thúc đẩy xuất khẩu (XK) nhưng chi phí phát sinh về mặt tài chính vẫn đang là nỗi lo của phía doanh nghiệp (DN). Như ở Tp.HCM, việc áp dụng bảng giá đất mới (bắt đầu từ ngày 31/10/2024), khi đưa vào bảng tính như những năm trước thì thấy rằng DN sẽ đội vốn, không thể làm được đơn hàng.
Khó làm đơn hàng vì giá cao
Như lưu ý của ông Ngời: “Bởi vì chi phí đầu vào tài chính của giá đất quá cao, như thế làm sao DN có thể XK? Trong khi đó, một số đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài với chi phí và giá thành thấp sẽ giành lấy đơn hàng của chúng ta”.
Các DN xuất khẩu đang đứng trước mối lo tuột mất đơn hàng vì đội chi phí tài chính và đối mặt áp lực thay đổi tỷ giá. |
Hoặc như băn khoăn của đại diện một DN chuyên XK vào thị trường Nhật Bản, nếu như trước đại dịch Covid-19 thì tỷ giá 1 USD chỉ vào khoảng 110 đến 120 yên Nhật, khi đó DN Nhật mua hàng chỉ cần trả 110 yên sẽ đủ để mua một đơn vị sản phẩm của DN. Nhưng hiện tại, tỷ giá 1 USD đang vào khoảng 152 yên. Thời gian qua, chi phí tài chính và những chi phí khác đều tăng lên, dù phía DN cố gắng giữ giá cho đối tác như trước dịch là 1 USD cho một đơn vị sản phẩm nhưng vẫn không bán được.
Bởi vì khi đó đối tác Nhật sẽ phải trả 152 yên mới mua được một đơn vị sản phẩm của DN. Được biết dù đồng yên giảm giá mạnh nhưng với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt ở Nhật Bản đã giúp DN của họ bán được hàng hơn là nhập hàng, trong khi DN của Việt Nam lại bán được hàng ít hơn do vấn đề tỷ giá như vậy.
“Trong chuyện này, sự hỗ trợ của chính sách điều hành từ phía ngân hàng là như thế nào, liệu có chính sách đối ứng nhanh, cụ thể với từng thị trường hay không để giúp DN giành lại thị phần? Còn nếu không linh hoạt chính sách, xem như thị phần XK của DN sẽ mất”, vị đại diện của DN chuyên XK sang Nhật Bản đặt vấn đề.
Tại buổi đối thoại vào ngày 31/10 giữa các DN xuất khẩu với chính quyền Tp.HCM về việc tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Quang Hiển, đại diện của một công ty chuyên về sản xuất hóa chất, đã chỉ rõ việc tỷ giá thay đổi khiến cho giá tàu biển tăng. Điều này phần nào làm giảm sức cạnh tranh của phía DN.
Từ đó, ông Hiển mong muốn phía Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hiệu quả trong việc ổn định tỷ giá, để hỗ trợ cho DN tốt hơn.
Về vấn đề tỷ giá, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, cho rằng mục tiêu quan trọng trong kiểm soát tỷ giá là ổn định giá trị tiền đồng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu này thì mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá phải hết sức hợp lý, hài hòa.
“Lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi lãi suất thấp lại gây áp lực lên tiền đồng, nhất là khi đặt trong mối quan hệ với tỷ giá. Do đó, điều quan trọng là phải cân bằng, nếu không lại biến động dẫn đến tăng tỷ giá. Nhờ đó mà chúng ta đã kìm giữ lạm phát trong 10 tháng đầu năm 2024 ở mức thấp và tỷ giá cũng biến động không cao trong định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, do vậy đã góp phần vào việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Lệnh nói.
Vẫn lo sức ép tỷ giá
Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật mới nhất hôm 30/10 về kinh tế vĩ mô, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) cho rằng, sức ép tỷ giá quay trở lại. Mặc dù tiếp tục được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư và dòng vốn FDI, việc đồng USD tăng giá mạnh khi lợi suất tại Mỹ tăng cao đã gây áp lực đáng kể lên VND, khiến nội tệ của Việt Nam mất giá trở lại vào đầu tháng 10/2024. Có thời điểm tỷ giá đã chạm mức giảm cao nhất hồi giữa năm, mặc dù sau đó ổn định trở lại nhờ sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.
Như chia sẻ của IVS, dự kiến trong thời gian tới tỷ giá có xu hướng neo ở mức cao do đang có nhu cầu thanh toán của các tổ chức theo kế hoạch, đồng thời việc nhập khẩu cho sản xuất cuối năm cũng sẽ làm tăng lượng mua ngoại tệ trong ngắn hạn. Ở chiều ngược lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp nhanh chóng cũng như bằng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt ổn định thị trường nên sẽ không có những tác động tiêu cực lớn trong năm nay.
“Nhìn theo chiều dài hơn, áp lực lên VND sẽ gia tăng do sức mạnh của USD cũng như lợi suất dài hạn tại Mỹ. Điều này có thể làm hạn chế khả năng hỗ trợ kinh tế thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, phía IVS nhận định.
Có thể thấy việc đội chi phí tài chính cùng với áp lực thay đổi tỷ giá vẫn đang là mối bận tâm chung cho các nhà XK của Việt Nam. Và nếu không kiểm soát được việc này, nỗi lo của các DN về nguy cơ tuột mất đơn hàng, giảm thị phần là khó tránh khỏi. Không những thế, điều này còn làm bào mòn lợi nhuận của DN.
Như ở lĩnh vực XK thủy sản. Do đồng yên Nhật giảm giá xuống mức thấp trong thời gian qua được xem là một trong những yếu tố khiến cho hoạt động nhập khẩu và sức mua thủy sản của Nhật thận trọng hơn. Điều đó đã ảnh hưởng phần nào đến XK tôm của Việt Nam vào thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch đạt 360 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước (thực ra mức giảm đã thấp hơn so với hồi đầu năm nay).
Ngoài ra, trong báo cáo cập nhật vào tháng 10/2024 về CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của Công ty chứng khoán SSI, có cho rằng chi phí tài chính trong quý 3/2024 tăng mạnh 79% so với cùng kỳ và tăng 42% so với quý trước do ghi nhận lỗ tỷ giá đã thực hiện là 47 tỷ đồng (tăng 78% so với cùng kỳ năm trước), liên quan đến việc mua nguyên liệu.
Và mặc dù hầu hết các đơn hàng XK cá tra của VHC là FOB (người bán chịu trách nhiệm đưa hàng lên tàu, sau đó rủi ro và chi phí sẽ chuyển giao cho người mua), công ty đã tạm thời chia sẻ một phần phí vận chuyển tăng với khách hàng hồi quý 3/2024.
Hay như CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC). Báo cáo cập nhật vào cuối tháng 10/2024 của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng lợi nhuận của FMC sẽ bị bào mòn do tỷ giá biến động mạnh trong 2024, và chi phí vận chuyển cao do ảnh hưởng của yếu tố địa chính trị.
Chung quy lại, để giảm thiểu mối lo tuột mất đơn hàng của các DN xuất khẩu, đang rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ khâu quản lý, điều hành chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế phần nào việc phát sinh hoặc đội các chi phí về tài chính.
Thế Vinh