Mặc dù xuất khẩu (XK) đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường EU trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 630 triệu USD (tăng trên 20% so với năm 2023), nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn đang lo ngại đối mặt với việc tuân thủ các yêu cầu xanh. Chẳng hạn như các nhà nhập khẩu EU hiện nay liên tục gửi các thông tin và hối thúc, yêu cầu các DN làm đồ gỗ XK phải cam kết tuân thủ quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Hối thúc từ đối tác nhập khẩu
Không chỉ vậy, các DN xuất khẩu những mặt hàng khác như gỗ dán, viên nén, dao thìa dĩa, khi XK vào thị trường EU cũng được các đối tác nhập khẩu đặt vấn đề có tuân thủ được EUDR hay không và bắt buộc phải cam kết tuân thủ quy định này.
Các đối tác nhập khẩu ở EU đang hối thúc các DN đồ gỗ Việt phải cam kết tuân thủ quy định EUDR và CBAM. |
Trong khi đó, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam hiện đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và các đối tác liên quan lựa chọn 6 DN sản xuất và XK gỗ và sản phẩm của gỗ sang EU, DN nguyên liệu trong chuỗi cung ứng gỗ DN sang EU, để khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khoảng trống mà DN cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu EUDR.
Ngoài ra, gần đây nhất quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - một chính sách của EU nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu, không chỉ là đòi hỏi mang tính tự nguyện mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu DN đồ gỗ ở Việt Nam muốn bán hàng cho đối tác ở EU.
Để đáp ứng tốt các yêu cầu xanh ngặt nghèo như vậy, theo ông Phạm Tuân, đồng sáng lập giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro thuộc FPT IS, các DN ngành gỗ Việt cần chuyển đổi xanh trên nền tảng số với việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số phù hợp.
“Lộ trình chuyển đổi số – chuyển đổi xanh cần được triển khai từng bước, kiến tạo mô hình kinh doanh hiệu quả, cân bằng giữa lợi nhuận và các khía cạnh bền vững. Có như vậy, DN Việt mới có thể sớm tiến đến mục nâng hạng sản phẩm gỗ Việt trên thị trường quốc tế”, ông Tuân chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Dự án CTCP Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu Klinova, các nhà nhập khẩu EU là bên có nghĩa vụ báo cáo lượng phát thải trong sản xuất hàng hóa CBAM. Và họ sẽ yêu cầu DN xuất khẩu ngoài EU cung cấp dữ liệu về lượng phát thải này.
Như lưu ý của bà Huệ, thách thức đối với các DN Việt là các yêu cầu ngày càng cao về báo cáo lượng phát thải trong khuôn khổ CBAM. Cụ thể là sự phức tạp trong thu thập số liệu phát thải xuyên suốt chuỗi sản xuất của hàng hóa CBAM, việc báo cáo phải đảm bảo tính minh bạch, báo cáo cần được thẩm định về kết quả.
Xét về mức độ cạnh tranh cao trong việc XK vào thị trường EU, theo bà Huệ, quy định về CBAM sẽ gây tác động đến thói quen “mua sắm” các sản phẩm CBAM của các nhà nhập khẩu châu Âu. Bởi, họ sẽ ưu tiên các hàng hóa có cường độ phát thải thấp hoặc mua các hàng hóa có cường độ phát thải cao với giá thấp hơn để bù đắp cho lượng chứng chỉ CBAM họ phải chi trả.
Như băn khoăn của vị giám đốc dự án này, các hướng dẫn về thích ứng với khuôn khổ CBAM tại Việt Nam chưa rõ ràng. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng lộ trình tiếp cận CBAM. Việt Nam chưa có các quy định chi tiết, cụ thể để hướng dẫn DN chủ động tiếp cận CBAM và kiểm kê phát thải cho quá trình sản xuất sản phẩm.
Chờ thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ
Đứng ở góc độ của nhà hoạt động xúc tiến thương mại, bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), cho rằng EU hiện trở thành thị trường khó tính bậc nhất với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường, trong đó có việc áp dụng CBAM.
Theo bà Quyên, tác động của CBAM đối với các DN Việt Nam nói chung và DN ở Tp.HCM nói riêng là rất lớn. Các DN có nguy cơ bị cạnh tranh XK và mất thị phần tại thị trường này do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các “chính sách xanh”.
Vì vậy, các DN Việt cần hiểu rõ hơn về cơ chế CBAM và thị trường carbon, từ đó có thể điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ thị phần trên thị trường EU.
Hơn nữa, vị Phó giám đốc ITPC cho rằng việc ban hành khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các DN Việt Nam để đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các DN xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.
Với quy định về CBAM, Ts. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT) nhận định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp như sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm bằng cách đánh thuế carbon nhập khẩu vào EU với các ngành này. Tuy nhiên, CBAM sẽ không được áp dụng nếu Việt Nam có ETS (hệ thống giao dịch phát thải) đáp ứng theo chuẩn của EU.
“Chính phủ Việt Nam cần dùng các công nghệ mới nổi như chuỗi khối (blockchain) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để đẩy mạnh các quy trình đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) và giảm ước tính sai phát thải khí nhà kính trong giai đoạn thí điểm của sàn giao dịch tín chỉ carbon. Điều này cũng có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon và giảm thiểu tác động của thuế carbon quốc tế đối với các công ty trong nước”, Ts. Huy đề xuất.
Bên cạnh đó, theo Ts. Samuel Buertey, một chuyên gia về luật, Việt Nam phải thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ xác định các quy tắc và hướng dẫn về việc kinh doanh tín chỉ carbon và thực thi hoạt động này. ETS của EU, được biết đến là khung pháp lý nổi bật, có thể là khuôn mẫu mà Việt Nam có thể áp dụng. Việt Nam có thể áp dụng các quy định nghiêm ngặt tương tự để đảm bảo tính liêm chính và tuân thủ của thị trường.
Mặt khác, rất cần hỗ trợ cho các DN Việt trong đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ giảm phát thải hoặc tăng cường thu hồi carbon. Chính phủ có thể thiết lập một quỹ đặc biệt để hỗ trợ hoạt động R&D trong công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) còn đang ở giai đoạn sơ khởi tại Việt Nam. Khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy các DN đổi mới và cung cấp các giải pháp lâu dài trước những thách thức về môi trường và cho việc thỏa mãn cơ chế CBAM.
Thế Vinh