Trong tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào ngày 26/4, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group) - một tập đoàn sở hữu những công ty hàng đầu về chế biến xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản, có đưa ra kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất được xây dựng với kịch bản thận trọng, đó là doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% -9% so với năm 2022.
Lạc quan trong thận trọng
Với mảng hạt, doanh nghiệp (DN) này nhận định, năm 2023 vẫn đạt tăng trưởng tốt. Mảng hạt XK sẽ nối lại khối lượng bán hàng sang các thị trường chính như HongKong, Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng bị ảnh hưởng do suy giảm sức cầu từ các thị trường mới phát triển như Mỹ, Canada, EU.
Các DN XK nông lâm thủy sản cần phát huy lợi thế chế biến sâu sản phẩm giá trị gia tăng cho phân khúc thị trường cao cấp. |
Với mảng XK thủy sản, phía PAN nhìn nhận sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU giảm đơn hàng do lạm phát và mức tồn kho cao từ trong dịch. Thực tế đã ghi nhận dấu hiệu của việc lạm phát đã đạt đỉnh, sức mua có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023 nhưng các kế hoạch kinh doanh mảng thủy sản vẫn cần thận trọng trước các diễn biến mới về tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới.
Trong đó, mảng cá tra của PAN sẽ chịu ảnh hưởng khá mạnh từ bối cảnh thị trường XK cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá), dự kiến doanh thu giảm nhẹ 3-5% và lợi nhuận trước thuế suy giảm 15% - 20% so với năm 2022.
Còn với một DN hàng đầu ở mảng XK rau quả là CTCP Nafood Group, trong tài liệu cho đại hội cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra ngày 29/4), có đưa ra mục tiêu đạt doanh thu 2.125 tỷ đồng (tăng 20,3% so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 106 tỷ đồng (tăng 331,1%).
Trong năm nay, công ty này đang muốn giành lại vị thế số 1 về thị phần XK các sản phẩm nước ép chanh leo, đồng thời tăng thị phần và giữ vững vị thế số 1 thị phần XK thanh long, xoài Keaw.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc của Nafood Group, việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại hồi tháng 1/2023 đã tạo nhiều động lực và kỳ vọng tích cực về nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc.
Ông Hùng cũng đề cập đến việc đưa vào vận hành chương trình quản lý vùng trồng với mục tiêu chủ động và kiểm soát chất lượng nguồn cung nguyên liệu quả tươi đầu vào cho các nhà máy, và quy mô lên đến 3.000ha, làm với hơn 50 hợp tác xã và 1.700 nông hộ.
Phải tạo được lợi thế cạnh tranh
Riêng với một DN hàng đầu trong XK tôm là CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), trong báo cáo thường niên 2023 công bố trong tháng 4/2023, điều làm dư luận chú ý khi đặt mục tiêu năm 2023 doanh thu đạt 17.985 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.250,9 tỷ đồng, tăng 33%.
Tuy vậy, DN này có cho biết không ít các thách thức đặt ra từ biến động vĩ mô và ngành, nên phải luôn chú trọng nghiên cứu tình hình thị trường, đo lường mức độ tác động của các biến số vĩ mô, từ đó lên kế hoạch kinh doanh và các kịch bản phòng ngừa.
MPC cũng lưu ý để gia tăng cơ hội cho ngành tôm, các DN xuất khẩu cần chuyển hướng thị trường, giảm một phần lượng XK sang các thị trường xa và cạnh tranh lớn như Mỹ, EU để tập trung vào thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, MPC sẽ vẫn đảm bảo duy trì hai thị trường lớn trên thông qua các sản phẩm cho khách hàng phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam hưởng các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác thương mại toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là lợi thế của Việt Nam khi cạnh tranh trên trường quốc tế.
Riêng về vấn đề đơn hàng XK, DN này vẫn tự tin nhờ vào sự đa dạng hoá trong danh mục sản phẩm XK, công ty sẽ chuyển hướng ưu tiên tập trung phát huy lợi thế chế biến sâu sản phẩm giá trị gia tăng cho phân khúc thị trường cao cấp.
Xét về tình hình XK tôm nói riêng và XK thủy sản nói chung, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các DN sẽ đối mặt với khó khăn trong vài tháng tiếp theo, tốc độ giảm sẽ chậm lại và có khả năng phục hồi kể từ quý 3/2023 trở đi.
Và cần để ý là XK thủy sản sang thị trường Châu Á có xu hướng phục hồi nhanh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường EU, Mỹ vẫn tiếp tục sụt giảm khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này vẫn chậm.
Còn về XK nông lâm thủy sản nói chung, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 thị trường XK chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 22% và 18% tổng giá trị XK trong quý 1/2023. Trong khi cơ cấu của thị trường Mỹ giảm 9 điểm phần trăm, cơ cấu của thị trường Trung Quốc tăng 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, XK nông lâm thủy sang các thị trường Mỹ, ASEAN và Hàn Quốc giảm mạnh trong quý 1/2023, lần lượt giảm 42,6%, 15,9% và 11,1% so với cùng kỳ 2022.
Với tình hình sụt giảm ở một số thị trường lớn, chủ lực như vậy, khi nhìn vào các con số về mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho năm nay của những “ông lớn” trong lĩnh vực XK nông lâm thủy sản sẽ thấy, họ có rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Điều này đòi hỏi các DN cần tạo được lợi thế cạnh tranh khi XK xuất khẩu nông lâm thủy sản từ việc chế biến sâu, sở hữu chuỗi giá trị khép kín để không có nhiều áp lực quá lớn trong việc thiếu hụt nguyên liệu. Điều quan trọng, phải tính toán kỹ cho từng thị trường để đảm bảo hoạt động XK có hiệu quả cao.
Thế Vinh