Báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố của CTCP VICEM Hà Tiên (HT1) cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 54,3 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau chạm đáy sẽ phục hồi dần
Tính lũy kế cả năm 2023, do doanh thu sụt giảm mạnh (đạt hơn 7.049 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022) và giá vốn neo cao, khiến cho lợi nhuận gộp của HT1 đã giảm mạnh ở mức 32%, đạt 603,9 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của một doanh nghiệp (DN) hàng đầu ở ngành sản xuất xi măng trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tăng trưởng lợi nhuận của các DN sản xuất thép được dự báo có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. |
Không riêng gì tình hình không mấy khả quan của HT1, đây là tình hình chung của nhiều DN khác trong mảng xi măng. Thậm chí, có một số DN trong báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố cho thấy thua lỗ kéo dài trong năm vừa rồi khi mà sản lượng tiêu thụ suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao.
Đơn cử như Báo cáo quý 4/2023 của CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn đã báo lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng, tính lũy kế năm 2023 lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng. Hay như CTCP Xi măng Vicem Hải Vân báo cáo quý 4/2023 bị thua lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, tính lũy kế cả năm bị lỗ sau thuế hơn 64 tỷ đồng. Ngoài ra, tính lũy kế cả năm 2023, có thể kể thêm trường hợp CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai lỗ 31 tỷ đồng, còn Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ hơn 500 tỷ đồng.
Tuy vậy, sau giai đoạn bĩ cực trong năm vừa rồi, điều hy vọng là các DN xi măng sẽ có cửa sáng hơn trong năm nay. Như mới đây, khi dự báo về triển vọng của ngành xi măng trong năm 2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng dự kiến sắp phục hồi,chạm đáy trong quý 1/2024 và dần phục hồi trong năm 2024.
Theo đó, trong quý 1/2024, dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ ở mức thấp kể từ quý 3/2021 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid), do các yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu vẫn ở mức yếu.
Nhưng sang quý 2/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.
Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng được dự báo sẽ phục hồi thấp trong năm 2024. Điều này có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ phận phân tích của SSI lưu ý áp lực gia tăng từ các đối thủ cạnh tranh trong nước có thể khiến giá xi măng giảm. Bởi lẽ, công suất trong nước đã được mở rộng trong thời gian gần đây (tăng 4,5% trong năm 2022 và tăng 6,1% trong năm 2023).
“Chúng tôi ước tính tình trạng dư cung đã tăng từ 15% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023. Cùng với mức tăng trưởng trái chiều trên kênh xuất khẩu, sẽ làm gia tăng cạnh tranh trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra ở miền Bắc và miền Trung, khu vực có hầu hết các dự án mới và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn”, chuyên viên phân tích của SSI cho biết.
Nhu cầu thị trường sẽ “ấm” lên
So với tình hình thua lỗ, sụt giảm lợi nhuận trong năm vừa qua, giới phân tích nhận định biên lợi nhuận gộp của các DN sản xuất xi măng sau khi chạm đáy trong quý 1/2024 sẽ cải thiện dần trong các quý tiếp theo nhờ giá than điều chỉnh.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, giá than sẽ duy trì ổn định ở mức hiện tại khi mùa Đông ở Bắc bán cầu đang đến gần (và các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn có hiệu lực) giúp cân bằng với áp lực giảm từ giá dầu khí. Do đó, giá than đầu vào trung bình cho các DN sản xuất xi măng được dự báo sẽ giảm trong năm 2024 do mức nền giá than cao được thiết lập trong nửa đầu năm 2023.
Còn với ngành thép, báo cáo mới phát hành của Bộ phận phân tích thuộc SSI về triển vọng ngành thép năm 2024 kỳ vọng lợi nhuận các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện.
Tăng trưởng lợi nhuận của các DN thép có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động
Tổng sản lượng tiêu thụ thép được SSI kỳ vọng sẽ phục hồi hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa dự kiến đạt mức tăng trưởng gần 7%. Mức tiêu thụ thép trong năm nay sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu thép được dự báo sẽ cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2024, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ và Châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
Còn theo dự báo gần đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, một số DN ngành thép sẽ có tăng trưởng lợi nhuận khoảng 40% trong năm 2024 nhờ giá bán và biên lợi nhuận gộp phục hồi. Riêng với giá thép xây dựng trong năm 2024 được dự báo phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8%) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu “ấm” lên ở thị trường Việt Nam.
Theo MBS, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% trong năm 2024 (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.
Không những vậy, giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm. Với giá bán hồi phục và nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các DN sản xuất thép trong năm nay.
Có thể nói với những dự báo nêu trên sẽ tiếp thêm niềm tin cho các DN xi măng và thép trở lại “đường băng” tăng trưởng trong năm nay dù cho vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Và điều quan trọng để tránh tiếp tục sa sút lợi nhuận hoặc thua lỗ đòi hỏi các DN ở những ngành hàng này có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để kéo giảm các loại chi phí.
Thế Vinh