Một khảo sát mới đây cho thấy, trong 5 năm vừa qua, tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam được Aeon xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng trưởng bình quân hơn 120%/năm.
Nhiều “cửa” mở rộng thị trường
Nhóm mặt hàng may mặc, giày dép chiếm đến 59% trong tất cả các nhóm sản phẩm của Việt Nam được XK thông qua hệ thống bán lẻ này, tiếp đến là mặt hàng thực phẩm, trái cây (34,6%). Đây được cho là con số khả quan cho hàng Việt thâm nhập sâu vào kênh bán lẻ lớn ở Nhật.
Các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam được kỳ vọng gia tăng XK vào thị trường RCEP. |
Nhật Bản là một trong các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP, nên các doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam kỳ vọng sẽ gia tăng kim ngạch XK vào thị trường này trong thời gian tới, đặc biệt là thông qua các nhà bán lẻ lớn như Aeon.
Trong các quốc gia tham gia RCEP, ngoại trừ kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020 có tăng trưởng dương (đạt 31,75 tỷ USD, tăng 12,4%), các thị trường còn lại do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đã sụt giảm không ít.
Điển hình như XK sang thị trường ASEAN chỉ đạt 17 tỷ USD (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019). Hoặc như XK sang Hàn Quốc đạt gần 14,5 tỷ USD (giảm 2%), XK sang Nhật Bản đạt 14 tỷ USD (giảm 6,5%)...
Với hơn nửa sản phẩm của công ty đang được XK vào Nhật Bản và khu vực ASEAN, ông Trần Văn Thành, giám đốc một DN XK ở Đồng Nai, bày tỏ khi RCEP được ký kết trong tháng 11/2020 sẽ giúp công ty có thêm nhiều “cửa” mở rộng thị trường sang các quốc gia trong Hiệp định, cũng như khâu thủ tục XK sẽ được đơn giản, thuận lợi hơn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, thị trường RCEP sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với XK của Việt Nam, nhất là các sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến sẽ có nhiều cơ hội.
Theo ông Dũng, tính bổ sung thương mại có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên RCEP là triển vọng mở rộng thương mại lớn hơn cho các DN XK của Việt Nam cắt giảm thuế quan và giải quyết các vấn đề như hàng rào phi thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Hạnh, giám đốc một DN XK ở Bình Dương cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động XK khi mà công ty phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Chính vì vậy, công ty kỳ vọng khi RCEP được ký kết thì khả năng tận dụng Hiệp định này để mở rộng thị trường XK sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, khi được hỏi công ty đã có những hiểu biết gì để tận dụng RCEP thì ông Hạnh chỉ trả lời chung chung là đang... tiếp tục tìm hiểu thêm, vì chưa thể nắm được các thoả thuận trong Hiệp định.
Nâng sức cạnh tranh để có cơ hội tốt nhất
Đây cũng là một thực tế chung khi các DN chưa hiểu nhiều về RCEP so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (AKFTA)…
Trong khi đó, nhiều thông tin cho thấy, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng, GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD - chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Đáng chú ý là nhiều thị trường lớn nằm trong Hiệp định này như ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Theo đánh giá, nhiều loại hàng hóa hiện nay Việt Nam có thế mạnh khi XK vào thị trường RCEP, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Như vậy, đây là khu vực tạo điều kiện có thể nói là lớn nhất cho DN Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nội khối.
Ngoại trừ năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, còn trước đó, nhiều thống kê cho thấy XK của Việt Nam sang thị trường khu vực RCEP đã tăng trưởng nhanh, nhất là XK nông sản và các sản phẩm chế tạo, và đi kèm với đó là những thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu XK.
Đặc biệt là thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN có thu nhập trung bình có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển rõ rệt trong cơ cấu XK của Việt Nam sang các quốc gia tham gia RCEP, từ nhiên liệu và nguyên liệu thô sang hàng tiêu dùng và hàng hóa vốn. Và trong thị trường này, Việt Nam tiếp tục duy trì lợi thế so sánh trong nhiều mặt hàng như nông sản, may mặc, giày dép và các sản phẩm điện tử gia dụng.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng lưu ý, RCEP sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh hơn đối với DN Việt Nam, ngay ở các thị trường trong khối RCEP. Do đó, các DN rất cần nắm rõ hơn các thoả thuận trong Hiệp định và phải “nâng sức cạnh tranh để có cơ hội tốt nhất” khi muốn mở rộng thị trường XK được hiệu quả hơn.
Có thể nói, để tận dụng những cơ hội lớn từ RCEP nhằm gia tăng XK, đây là thời điểm thích hợp nhất cho DN Việt lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thế Vinh