Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, hướng đến mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với ASEAN (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zeland).
Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp (DN) Việt có thể tận dụng tốt nhất cơ hội từ RCEP, tránh đi vào "vết xe đổ" như nhiều FTA đã có vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Thị trường khổng lồ
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), RCEP khởi động đàm phán vào năm 2013, đến nay đã qua 25 phiên đàm phán chính thức.
Đàm phán RCEP năm 2018 đã đạt được tiến bộ đáng kể, hướng tới giai đoạn đàm phán cuối cùng, các bên tiếp tục quá trình đàm phán để kết thúc đàm phán trong năm 2019 với một hiệp định tiến bộ, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đánh giá RCEP đang trong quá trình đàm phán nên nói về cơ hội và thách thức mà bản thân nó chưa được hình thành sẽ không chính xác. Vì vậy, bà Trang đặt tới vấn đề kỳ vọng và quan ngại của DN.
Về kỳ vọng của DN, RCEP là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Nhiều DN đang rất kỳ vọng vào RCEP bởi sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, với 50% dân số thế giới, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới. Đây cũng là thị trường có mức độ phát triển kinh tế mạnh mẽ nên nhu cầu rất lớn.
Đặc điểm của người tiêu dùng trong RCEP (16 nước) là một bộ phận lớn không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm, là cơ hội cho những DN Việt Nam có trình độ thấp vẫn có thể XK. Thị trường có nhu cầu lớn với sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…
Quan trọng hơn, RCEP bao trùm toàn bộ chuỗi sản xuất một số loại hàng hoá của Việt Nam. Như dệt may, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có Trung Quốc tham gia, nên Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan do nguyên liệu dệt may chủ yếu nhập từ Trung Quốc – không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nhưng với RCEP, DN hoàn toàn có thể tận dụng được điều này.
Về thương mại và dịch vụ, RCEP có đàm phán mở cửa tốt hơn cho ngành dịch vụ. Đặc biệt là đàm phán về thương mại điện tử, tạo đà cho sự phát triển của thương mại và đầu tư trong tất cả lĩnh vực khác.
Nói về khác biệt của RCEP so với các FTA hiện nay, bà Trang cho biết hiệp định này thúc đẩy, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ DN nhỏ và vừa tận dụng các cam kết.
Ngoài ra, RCEP đàm phán mở cửa thị trường mua sắm công – mua sắm của nhà nước. Trong bất kỳ thị trường nào thì mua sắm của nhà nước là cực kỳ lớn, nhưng các nước lâu nay vẫn đóng cửa thị trường này để dành cho DN trong nước. Việc RCEP cho phép mở cửa này sẽ giúp DN Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường rất lớn.
"Từ đó, chúng tôi kỳ vọng về cơ hội xuất – nhập khẩu từ RCEP. Theo đó, ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa; quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ sản xuất", bà Trang chia sẻ.
RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với 50% dân số thế giới |
Chỉ lo thiếu thông tin
Tuy nhiên, RCEP cũng đem tới những quan ngại nhất định cho DN. Trong đó, khu vực kinh tế RCEP có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, mở cửa cho DN Việt Nam cũng nghĩa là mở cửa cho đối thủ.
Ví dụ, giữa Trung Quốc – Nhật Bản hiện nay chưa có FTA nhưng với RCEP thì họ sẽ có, như vậy cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở Nhật Bản sẽ tăng lên, trực tiếp với đối thủ Trung Quốc.
Thêm vào đó, tham vọng của các nước trong RCEP có thể khác nhau. Qua 6 năm đàm phán, Ấn Độ hay một số nước không muốn mở cửa thị trường. Điều này làm giảm kỳ vọng từ RCEP. "Kỳ vọng của chúng ta về việc RCEP trở thành vùng lánh nạn cho những căng thẳng thương mại thế giới hiện nay có thể không thành hiện thực", bà Trang cho biết.
Trước thực tế trên, bà Trang kiến nghị đoàn đàm phán hiệp định cần cân nhắc từng đối tác để mở cửa thị trường của mình, tập trung vào tiêu chí ưu tiên – tức là sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, sản phẩm đối tác nhập khẩu lớn, ưu đãi thuế hiện có…
Đại diện một DN bày tỏ lo ngại về chỉ số năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam hiện thấp hơn các nước ASEAN – cũng là thành viên tham gia RCEP. Ngoài ra, chỉ số sáng tạo của DN Việt Nam cũng không cao. Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để xúc tiến RCEP không?
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho rằng hiện nay không phải là thời điểm đầu tiên Việt Nam bắt đầu hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy không nên ngại một số ngành vì năng lực cạnh tranh chưa cao mà phải đóng cửa. Hội nhập sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh XK.
Tất nhiên, bà Nga cũng cho rằng hội nhập có hai mặt cơ hội và thách thức. Do vậy, DN cần nắm thật chắc các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, từng hiệp định, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
"Cơ quan quản lý không phải là nhà kinh doanh, chỉ có thể đàm phán mở cửa thị trường, xây dựng bộ quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho DN. Vì vậy, DN và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau", bà Nga chia sẻ.
Trả lời câu hỏi ngành logistics có sẵn sàng cho sự cạnh tranh, ông Nguyễn Tương, Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết các DN logistics Việt Nam rất quan tâm tới RCEP. Hiện nay, DN Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các nước trong khu vực RCEP, còn đối với khu vực như CPTPP hay châu Âu, có một số DN làm cách đây hai năm nhưng không thành công vì trình độ chênh nhau.
Ông Tương khẳng định ngành logistics hiện nay đang cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường Việt Nam, CPTPP hay nhiều FTA đang tạo ra cơ hội nhưng cũng có thách thức, vì vậy DN logistics không hề lo ngại sự cạnh tranh. Điều DN quan tâm là thông tin cụ thể hơn về RCEP từ các cơ quan chức năng.
"Dù trải qua 6 vòng đàm phán nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe thông tin về RCEP, do vậy điều các DN cần nhất là thông tin cụ thể hơn nữa đến từ cơ quan chức năng cũng như đoàn đàm phán hiệp định", ông Tương chia sẻ tại "Hội thảo Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề DN quan tâm" ngày 23/5.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, RCEP đang cung cấp 80-90% nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam. Có thể nói Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực này để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng XK. Do đó, DN cần thông tin sát sườn nhất về RCEP.
Lê Thúy
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Để tận dụng được các cơ hội của RCEP, DN cần phải quan tâm tới quy tắc xuất xứ của hiệp định này. Hiện nay, RCEP đang được đàm phán, quy tắc xuất xứ được xây dựng theo hướng khắc phục bất cập của các FTA đang có. Do vậy, DN gặp khó khăn gì cần phản hồi ngay với đoàn đàm phán để có quy tắc xuất xứ tốt nhất trong RCEP, từ đó DN chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất, cũng như nâng cao năng lực của chính mình. Ông Nguyễn Tương - Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Các DN logistics luôn sẵn sàng chấp nhận sự cạnh tranh, muốn biến cạnh tranh thành cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Song, điều mà DN cần nhất là các thông tin cụ thể về quá trình đàm phán, nội dung của RCEP. Chỉ khi nắm được điều này, DN mới có thể chuẩn bị và đóng góp ý kiến. Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất Nhập khẩu Thực tế, chúng tôi cũng thường xuyên nhận được đóng góp của một số DN nhưng đôi khi nhiều DN vẫn chưa cảm thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm sát sườn, chỉ đến khi gặp vướng mắc thực tế mới quay trở lại xem nghị định, thông tư và thấy rằng cơ quan chức năng đã lấy ý kiến từ 2-3 năm trước. |