Tại Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 19/2, các chuyên gia đánh giá cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào thị trường chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD còn nhiều, quan trọng là phải khắc phục được một số tồn tại như: thu hẹp khoảng cách pháp lý giữa Việt Nam với các nước trong khối CPTPP, đồng thời doanh nghiệp (DN) phải nâng cao trình độ sản xuất, tăng cạnh tranh...
Mới có khoảng 1,86% tìm hiểu kỹ về CPTPP
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục mở rộng cả về quy mô, thị trường và mặt hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu với các nước trong khối CPTPP liên tục giảm, cho đến khi Hiệp định chính thức có hiệu lực thì việc xuất khẩu sang một số thị trường đã đạt mức tăng trưởng tốt.
Hiện mới chỉ có khoảng 1,86% DN tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định CPTPP (Ảnh: Internet) |
Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2008, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2%, nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018. Sang 2019 là năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019 nên tỷ lệ tận dụng các ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường, vì vậy còn nhiều dư địa để cải thiện, nhưng khó tách rời với việc khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.
Bên cạnh đó, so với các nước tham gia vào CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng Chỉ số quản trị toàn cầu, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.
Sau một năm thực hiện Hiệp định CPTPP, Bộ Công thương cho biết chỉ có khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Thêm vào đó, nhiều tỉnh, thành cũng cho biết số lượng các doanh nghiệp trong địa phương quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Ngoài ra, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang các nước CPTPP chưa có quan hệ FTA như Canada, Mehico thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản…
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 86% DN đã biết hoặc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,86% DN tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định, là con số rất khiêm tốn và ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các DN.
Tận dụng ưu đãi chưa cao
Các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, sự chủ động trong vấn đề thực thi và thay đổi tư duy quản lý đã có bước cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được các đòi hỏi của giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực lực dành cho hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố vẫn chưa thực sự chủ động quan tâm đến các cơ hội mà Hiệp định CPTPP có thể mang lại cho DN.
Điều này được thể hiện qua những địa phương đã có ban hành kế hoạch hành động nhưng không đề ra nhiệm vụ chi tiết với mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện; chưa có nhiều hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cộng đồng DN.
Các chuyên gia cũng cho hay, DN Việt Nam ít nhiều đã có sự quan tâm, tìm hiểu về CPTPP, tuy nhiên mới chỉ lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn, như chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan mà chưa hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật… và thiếu các thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong, ngoài nước nên gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, các DN Việt Nam chưa chú trọng vào năng lực khoa học công nghệ, dẫn đến tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, cải tiến công nghệ còn rất thấp.
Do đó, để giúp các DN tận dụng hiệu quả CPTPP, Ts. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một mặt các DN phải tuân thủ các quy tắc của Hiệp định, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.
Ngoài ra, tác động với DN sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa trong việc đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ DN.
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng một yếu tố rất quan trọng để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng DN là các bộ, ngành phải công khai, minh bạch… Nếu thực đầy đủ các cam kết công khai minh bạch sẽ có bước tiến đáng kể và sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn vốn.
Đồng quan điểm, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các cơ quan nghiên cứu và quản lý cần tập trung vào việc phân tích những tác động, những cơ hội, thách thức mà CPTPP mang lại cũng như sự chuẩn bị của cộng đồng DN. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan của Chính phủ thiết lập cơ chế chính sách đúng đối tượng, trúng mục tiêu, góp phần thực hiện tốt những nội dung đã ký kết tại CPTPP.
Thanh Hoa