Bất cập công tác quản lý chuyên ngành vẫn khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí
Ngày 25/8 tại họp báo Triển khai nghị quyết số 19/ NĐ – CP về phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, Phó cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Nguyễn Thái Quang cho biết, hiện nay, vẫn còn hơn 400 văn bản, trong đó có 231 văn bản chính sách và thủ tục hành chính do các bộ quản lý chuyên ngành đưa ra điều chỉnh, yêu cầu cơ quan hải quan phải thực hiện kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp đã làm cho tỷ lệ luồng vàng cao.
Hàng hoá phân vào luồng đỏ chiếm 5%
Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ miễn, giảm, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin nhằm hỗ trợ giảm chi phí, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Do đó, Tổng cục Hải quan đã quy định áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Trong đó, cơ quan hải quan đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan và áp dụng các biện pháp kiểm tra tương ứng. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của DN, hàng hóa XNK của DN sẽ được hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) phân luồng theo 3 cấp độ: Miễn kiểm tra (luồng xanh); kiểm tra hồ sơ (luồng vàng); kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ).
Dữ liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu được miễn kiểm tra giấy tờ giảm nhẹ, trong khi những mặt hàng bị phân vào luồng vàng, tức là phải kiểm tra chi tiết hồ sơ khai báo hải quan đã tăng thêm khoảng 3%.
Cụ thể trong 7 tháng đã có 2,2 triệu tờ khai hải quan bị phân vào luồng vàng phải kiểm tra hồ sơ, chiếm 37,4% tổng số tờ khai, tăng thêm 3% so với năm 2016. Số hàng hóa phân vào luồng đỏ, phải kiểm tra cả hồ sơ lẫn kiểm hàng thực tế là 5%.
Hàng xuất khẩu sẽ thông quan trong 36 giờ
Tại họp báo, trả lời câu hỏi về việc, mới đây Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng Chính, Phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với 11 bộ ngành và đưa ra những thông tin về kiểm tra chuyên ngành như một thanh chocolate gánh 13 giấy phép kiểm tra chuyên ngành.
Ông Nguyễn Thái Quang cho biết, doanh nghiệp bị kiểm tra chuyên ngành, nộp hồ sơ lên rồi cứ nói là do Hải quan. Một số văn bản kiểm tra chuyên ngành là do các bộ, ngành ban hành.
“Với kinh nghiệm của tôi, để giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành các bộ ngành trước khi tham gia ban hành văn bản pháp luật ngồi lại cùng nhau, cần phải có Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ, Hải quan cùng nhau rà soát các văn bản, điều khoản. Như vậy mới thành công được, điều gì bỏ được thì bỏ”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, nhiều doanh nghiệp khi khai báo, làm thủ tục hải quan dẫn đến tờ khai bị phân luồng Vàng, luồng Đỏ như các DN có nợ thuế, kê khai sai tờ khai hoặc thường xuyên sửa đổi nội dung tờ khai, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi cơ quan hải quan yêu cầu cũng sẽ bị đưa vào diện xem xét hạ nhóm phân luồng.
Ông Nguyễn Thái Quang cho biết, khi 1 doanh nghiệp vi phạm, ngay lập tức sẽ cập nhật thông tin vào hệ thống giám sát, nên khi doanh nghiệp có lô hàng mới đăng ký tờ khai sẽ bị chuyển luồng ngay vào vàng hoặc đỏ.
Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay, vẫn còn hơn 400 văn bản (trong đó có 231 văn bản chính sách và thủ tục hành chính do các bộ quản lý chuyên ngành đưa ra) điều chỉnh, yêu cầu cơ quan hải quan phải thực hiện kiểm tra hồ sơ DN đã làm cho tỷ lệ luồng vàng cao. Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành (KTCN) thực hiện bổ sung, sửa đổi các quy định kiểm tra chuyên ngành, nhưng tiến độ rất chậm, gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan hải quan và DN.
Mục tiêu đến năm 2020 thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Thanh Hoa