Chia sẻ về những khó khăn của ngành tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho hay, hiện giá cước tàu biển từ Việt Nam đi châu Âu trên dưới 4.000-5.000 USD/container, tăng gấp 2-3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000-7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước đó. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000-2.000 USD/container.
Khó khăn “vượt sóng lớn”
“Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7-10 ngày, khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn” – ông Lĩnh bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Bá Hải, Phú Yên nhận định: "Chi phí vận chuyển container hàng xuất đi châu Âu tăng từ 2.000 USD/container lên 5.500 USD/container hiện đều do doanh nghiệp chịu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong Nhà nước quan tâm giúp cho lãi suất ngân hàng giảm, cởi mở chính sách cho vay để tạo thêm nguồn vốn bổ sung, tăng sức chịu đựng cho doanh nghiệp".
Đặc biệt, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam là cá tra và tôm, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu (XK) ở lĩnh vực này cũng đang đối diện nhiều khó khăn.
Những tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 258 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ.
Thị trường tiếp theo là Mỹ. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sang Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra và tôm là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. |
Cùng với thị trường Mỹ, XK cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong nửa đầu năm 2024 với giá trị XK đạt 128 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, theo VASEP tuy thị trường Trung Quốc là động lực chính cho sự tăng trưởng này, nhưng hiện giá cá tra phile của Việt Nam tại Trung Quốc lại đang rất thấp, chỉ khoảng 1,8 USD/kg. Do đó, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn trông chờ vào sản phẩm phụ như bóng bóng cá tra...
Ngành tôm XK cũng đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá tôm XK sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.
“Giá xuất khẩu tôm sang các thị trường đang ở mức thấp, cạnh tranh lớn với Ecuador, Ấn Độ. Trong đó, mặc dù ngành tôm của Ecuador gặp nhiều khó khăn năm 2024 nhưng quốc gia này vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường, bao gồm Nhật Bản, Australia, EU. Hiện Ecuador đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí là Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngành tôm cũng đang đối mặt với vấn đề dịch bệnh, cụ thể là bệnh mờ đục trắng gan TPD” – bà Lê Hằng – đại diện VASEP chia sẻ.
Nỗ lực tìm động lực tăng trưởng
Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, động lực tăng trưởng ngành tôm là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường; lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút. Tuy nhiên, động lực này sẽ bị cản trở nếu giá cả không phải chăng.
“Đó là nút thắt cổ chai ngành tôm hiện nay, bởi giá thành tôm nuôi của ta còn quá cao, đội giá thế giới. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn quá cao do nhiều yếu tố, như chất lượng tôm giống, môi trường nuôi, nguồn vốn nuôi”… ông Lực nhấn mạnh.
Theo ông Lực, để vượt qua khó khăn, các khâu chế biến xuất khẩu phải năng động tích cực hơn bao giờ hết như giải pháp nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện. Bên cạnh đó, tìm kiếm khách hàng mới thông qua hoàn thiện mình đáp ứng các yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp, thực thi các giải pháp bền vững như lộ trình giảm phát thải, như bảo đảm phúc lợi động vật, như bảo đảm chỉ tiêu sử dụng vật tư tái chế… và cam kết này có bên thứ ba giám sát, chứng nhận…
Nhận định về những tháng cuối năm, các chuyên gia lưu ý, theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.
Vì vậy, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn.
VASEP kỳ vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành thủy sản năm 2024.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Để XK thủy sản bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là gỡ được thẻ vàng IUU; doanh nghiệp đa dạng sản phẩm XK; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến XK… Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh Tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao, cộng với cước tàu tăng đột biến từ tháng 5 nên tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Điều này cũng khiến tôm Việt Nam chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tại thị trường này. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú Để tăng đơn hàng, thời gian qua doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới. Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston tại Mỹ để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới nhà nhập khẩu thế giới. Các sản phẩm tôm Việt Nam đều được nhà nhập khẩu đánh giá cao. |
Hồng Hương