Trong tháng 4 tới, Công ty thực phẩm Meiji (Nhật Bản) dự kiến chính thức ra mắt tại Hà Nội với tổng số vốn khoảng 200 triệu Yên (1,8 triệu USD), có chức năng chuyên nhập khẩu và bán sữa công thức của Meiji tại thị trường Việt Nam.
Cạnh tranh với khối ngoại vẫn hiện hữu
Ở Nhật Bản, Meiji là nhãn hiệu sữa bán chạy số 1. Còn tại một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore..., đây cũng là thương hiệu sữa thanh trùng bán chạy nhất. Hiện tại, Meiji chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam mà sẽ tiếp tục nhập khẩu sữa công thức từ Nhật Bản.
Cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại vẫn hiện hữu đòi hỏi DN sữa nội địa có "lối đi riêng" hiệu quả. |
Trong một diễn biến khác, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) hôm 17/3 cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cấp mã giao dịch cho phép 2 công ty của Việt Nam được phép xuất khẩu (XK) sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam được phép XK sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa lên men; Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam được phép XK sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa lên men, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa khác sang thị trường Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho phép 9 công ty/nhà máy của Việt Nam XK các sản phẩm sữa sang thị trường này.
Trong đó, có thể kể đến các thương hiệu sữa nội địa như: TH True Milk, Hanoimilk, Nutifood, Vinamilk. Còn Friesland Campina nhiều năm nay vẫn được xem là một trong những doanh nghiệp (DN) FDI thành công trên thị trường sữa Việt Nam.
Quan sát thị trường sữa trong nước hiện nay sẽ thấy, mặc dù các thương hiệu trong nước thống lĩnh thị trường, nhưng cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại vẫn hiện hữu. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ loại bỏ các mức thuế 5%-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3-5 năm tới.
Đặc biệt, việc XK sẽ trở nên quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng đối với các thương hiệu sữa nội, nhất là XK sang thị trường Trung Quốc. Với các nhà sản xuất sữa trong nước đã chính thức được XK sang Trung Quốc, điều này có lợi cho các DN hàng đầu như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood…
Xét về việc những thương hiệu sữa ngoại (như trường hợp Meiji) sắp thâm nhập thị trường Việt, giới phân tích cho rằng, thị trường sữa Việt Nam tới nay đã có mặt hầu hết các hãng sữa lớn trên thế giới, trong đó các hãng sữa lớn đã sở hữu thị phần nhất định và ít biến đổi trong thời gian qua. Do đó, các đối thủ mới muốn gia nhập phải có sự đầu tư mạnh mẽ để lôi kéo và làm thay đổi sự trung thành của thị trường với các hãng sữa hiện có.
Chọn hướng đi khác biệt
Đồng thời, các kênh phân phối sản phẩm hiện tại của ngành sữa đã được các DN sử dụng triệt để. Vì vậy, đối thủ mới gia nhập phải thuyết phục được các kênh phân phối này bằng cách chấp nhận chia sẻ hoa hồng cao.
Cho nên, dù đang tiêu thụ số 1 ở Nhật Bản thì áp lực từ đối thủ mới như Meiji ở thị trường Việt trong thời gian đầu được cho là chưa quá đáng ngại. Cạnh tranh trước mắt vẫn sẽ chủ yếu diễn ra trong nội bộ ngành sữa hiện tại.
Về yếu tố cạnh tranh, có ý kiến cho rằng, những DN sữa nội địa nếu có “lối đi riêng” hiệu quả trong lúc này sẽ là một lợi thế lớn nếu muốn gia tăng thị phần ở thị trường trong nước lẫn XK.
"Lối đi riêng" có thể hiểu nôm na DN tạo một hướng đi khác biệt so với các đối thủ khác, nhất là việc đầu tư mạnh vào khâu quảng bá và tung ra các sản phẩm mới có tính đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn.
Đơn cử như Nutifood, trong tháng 3/2021 đã đầu tư “chơi lớn”, đổ tiền tỷ để phối hợp cùng các họa sĩ, các nhà viết truyện sáng tạo nên bộ truyện tranh, phim hoạt hình, các trò chơi dành cho trẻ em với tên gọi chung là Thế giới Nuvi (NuviWorld).
Song song đó, thương hiệu này cũng chính thức ra mắt loạt sản phẩm NuVi - nhãn sữa mới toanh cho trẻ em Việt Nam và sử dụng công thức kép độc quyền với nguồn sữa 3.5 gram đạm, 4.0 gram béo/100 ml (tương đương với sữa châu Âu).
Có thể nói, tìm "lối đi riêng" thông qua việc nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng các xu hướng tiện lợi, kịp thời đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và đầu tư thích hợp cho các hoạt động quảng bá là điều mà các DN sữa nội địa nên tiếp tục phát huy.
Nhất là khi nhu cầu tiêu thụ sữa ở trong nước ngày càng tăng cao do thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng hơn. Bên cạnh đó, trước các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành sữa vẫn được đánh giá là ngành an toàn hơn so với các ngành khác. Đây cũng điểm lợi thế để các DN sữa nội củng cố vị trí của mình trên thị trường.
Như khuyến nghị từ giới chuyên gia, thời gian tới, các DN sữa nội cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới như sản phẩm hữu cơ, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt…
Tuy nhiên, cần lưu ý 2 nhóm sản phẩm chính quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành sữa trong nước là sữa nước và sữa bột. Riêng tổng giá trị trường của 2 nhóm này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường.
Thế Vinh