Bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia Research Group tại Việt Nam, cho biết một trong những khó khăn, trăn trở của các doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay là vấn đề nhà xưởng sản xuất.
Bài toán nan giải
Khảo sát từ các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam mới đây của InsightAsia cho thấy 88% DN quan tâm đến vấn đề hạ tầng – nhà xưởng thông thoáng, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, tính ổn định là cực kỳ quan trọng, có đến 90% quan tâm đến thời hạn thuê nhà xưởng với ít nhất là 3 năm.
Ngoài ra, có 81% DN được hỏi bày tỏ mong mỏi được chuyển đổi, nâng cấp hoặc mở rộng nhà xưởng. Theo bà Phương, những DN sản xuất nằm trong khu dân cư thường gặp rất nhiều trở ngại về hạ tầng giao thông; hoặc khi DN muốn nâng cấp nhà xưởng thì cũng không biết ai cung ứng máy móc tốt hơn cho mình.
“Họ phải tự đi tìm nguồn cung ứng máy móc, thiết bị, rồi chuyển đổi lại công nghệ cũ nhưng cũng không biết chuyển giao cho ai. Đấy là bài toán rất nan giải mà DN Việt gặp phải”, bà Phương lưu ý.
Hơn thế nữa, giá thuê đất công nghiệp đang tăng mạnh cũng là một thách thức lớn cho các DN nội địa trong việc đầu tư nhà xưởng sản xuất. Theo báo cáo mới đây từ một công ty nghiên cứu thị trường, mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam hiện nay là 95USD/m2/thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Việc tăng mức giá thuê đất công nghiệp này được cho là vì các công ty nước ngoài tìm cách mở rộng và dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam do ảnh hưởng thương chiến Mỹ – Trung. Theo đó, các tài sản công nghiệp, đặc biệt là tài sản hậu cần đang được các công ty này chú ý nhiều nhất.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn tại Việt Nam của một tập đoàn của Mỹ, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp ở Việt Nam, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp là chưa bao giờ giảm nhiệt.
Bà Khanh cũng cảnh báo cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các DN sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam.
“Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang đối mặt sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng”, bà Khanh nhấn mạnh.
Nhiều nhà sản xuất nội địa khó nâng cấp nhà xưởng |
Chờ mô hình mới
Khảo sát vấn đề mong đợi của DN nội địa về nhà xưởng lý tưởng cho thấy họ cần không gian rộng rãi, phù hợp với từng quy mô sản xuất. Chẳng hạn, DN siêu nhỏ và nhỏ cần khoảng 200 – 4.000m2 đất, DN vừa cần khoảng 1.000 – 6.000m2.
Điều quan trọng là các nhà xưởng này phải nằm ở những vị trí chiến lược. Đó là gần cảng, sân bay để dễ dàng vận chuyển hàng hóa; tuyến đường giao thông thông thoáng, thuận lợi cho xe tải nhập, xuất hàng hóa và di chuyển.
Hơn nữa, nhà xưởng cũng không quá xa trung tâm đô thị nhằm tiện cho việc di chuyển giữa văn phòng, nhà riêng và nhà xưởng, thuận tiện để vận chuyển, đưa đón công nhân.
Các DN siêu nhỏ và nhỏ do nguồn vốn còn hạn hẹp nên hiện tại chỉ có nhu cầu đi thuê nhà xưởng. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu DN lớn mạnh thì vẫn có nhu cầu được sở hữu nhà xưởng
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm ở Bình Dương, cho biết phía DN về lâu về dài phải nghĩ đến chuyện xây nhà xưởng chứ không thể đi thuê mãi được. DN sản xuất nào mà nguồn vốn đã có sẵn, hoạt động kinh doanh đã ổn định thì sẽ có xu hướng muốn sở hữu nhà xưởng ngay thay vì phải đi thuê.
“Sở hữu nhà xưởng sẽ giúp chúng tôi giảm bớt mối lo về nơi sản xuất. Khi đó, công ty của chúng tôi chỉ tập trung đến việc phát triển và mở rộng quy mô hoạt động mà thôi”, ông Hạnh bày tỏ.
Bà Trần Liên Phương cho rằng mặc dù có nhiều hình thức khu công nghiệp tại Việt Nam nhưng cách truyền thống nhất mà các DN vừa và nhỏ thường làm là tự đi tìm đất để thuê rồi tự xây dựng nhà xưởng, tự lo hết tất cả mọi việc từ lắp đặt máy móc thiết bị, tự đi xin giấy phép xây dựng cho đến xử lý chất thải. Còn với việc đi vào khu công nghiệp thì những DN vừa và nhỏ chưa đủ sức và cũng chưa có “hành lang” để vào.
Tuy nhiên, có một mô hình nhà xưởng vốn không xa lạ trên thế giới nhưng vẫn còn khá lạ lẫm với ở Việt Nam là mô hình không gian nhà xưởng xây sẵn nâng cao nhằm tận dụng quỹ đất khan hiếm.
Mô hình này có dịch vụ dạng liền kề giống như kiểu “mua chung”, chia sẻ với nhau mặt bằng, trong đó được thiết kế sẵn những dịch vụ kèm theo với đầy đủ cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, phòng cháy chữa cháy, xử lý môi trường… Vấn đề là nhiều DN Việt chưa biết đến mô hình nhà xưởng mới có thể giúp họ ổn định sản xuất và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Thế Vinh