Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Tp.Cần Thơ vào cuối tuần qua, khi người dân bức xúc bày tỏ sự không đồng tình về việc Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng trong Dự luật Thuế tài sản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải trấn an: “Đây mới chỉ là ý kiến của một vài chuyên viên Bộ Tài chính. Bà con yên tâm, Bộ Tài chính chưa trình ra Quốc hội và Chính phủ cũng chưa có ý kiến, Quốc hội không phê chuẩn ý kiến như thế”.
“Ẩn số” là gánh nặng
Xoay quanh đề án Luật Thuế tài sản đang tiếp tục có nhiều tranh cãi, chia sẻ mới đây với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng việc xây dựng đề án Luật này cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính “tiền sử dụng đất” để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”.
Bởi lẽ, “tiền sử dụng đất” đang là “ẩn số”, là “gánh nặng”, cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu và doanh nghiệp (DN) phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này.
Chủ đầu tư dự án đang phải nộp “tiền sử dụng đất” rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, nên có thể nói DN gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai và gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải chịu.
Do đó, theo đề xuất của HoREA, nên theo hướng quy định “tiền sử dụng đất” là một sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hàng năm bằng hệ số điều chỉnh giá đất (K) phù hợp với giá thị trường, để đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế “xin-cho”, nhằm kéo giảm mức thu “tiền sử dụng đất” rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn.
Phải thấy rằng những đề xuất đánh thuế, tăng thuế trong các dự thảo Luật mà Bộ Tài chính đưa ra từ năm 2017 đến nay đều gây phản ứng dữ dội trong dân và cộng đồng DN. Đơn cử như Dự luật sửa đổi 5 Luật Thuế.
Đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã gửi bản Dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật Thuế này đến Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi chuyển đến Thủ tướng và Quốc hội.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tăng 5 loại thuế, trong đó thuế giá trị gia tăng tăng từ 10% lên 12%, các loại thuế còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
![]() |
Đề xuất tăng các loại thuế suất liên tục đưa ra vô hình chung làm giảm niềm tin của doanh nghiệp |
Lung lay niềm tin
Gần đây là việc đề xuất đánh đồng thuế nhà trên 700 triệu đồng và quan điểm tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức 4.000 đồng/lít (dự kiến, mức thuế này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) của Bộ Tài chính như “giọt nước tràn ly”. Điều lạ lùng là trong các lần đề xuất, điều chỉnh sắc thuế, Bộ Tài chính lý giải: Tăng thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), cho rằng chúng ta đang cố gắng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Môi trường kinh doanh thuận lợi ở đây không phải chỉ là những thủ tục hành chính nữa mà cần nhìn xem thực trạng, “sức khỏe” của DN hiện nay như thế nào để có những chính sách về thuế phù hợp.
Theo bà Thảo, việc Bộ Tài chính gần đây liên tục đưa ra các dự thảo về chính sách thuế mới có thể đang tạo ra một tâm lý rất bất ổn trong cộng đồng DN. Hiện, DN đang có niềm tin khi Chính phủ đang có nhiều giải pháp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là họ đang thực sự có niềm tin môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn và sẵn sàng thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất.
Như lưu ý của Ts. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, các thay đổi về chính sách thuế đều có tác động đến hoạt động của các DN trong ngành nói riêng và cả xã hội nói chung. Chính sách thuế phù hợp sẽ tạo điều kiện khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự ổn định trong chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Còn ngược lại, nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN và ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Giới chuyên gia nhấn mạnh việc đề xuất các nội dung chính sách tăng các loại sắc thuế cần có đánh giá tác động đến các mặt hoạt động của xã hội nói chung và các đối tượng chịu tác động của dự án luật thuế nói riêng. Chỉ có đánh giá đầy đủ các tác động thì cơ quan xây dựng luật thuế mới và cơ quan thẩm tra, ban hành luật mới có đủ cơ sở để xây dựng và ban hành.
Thiết nghĩ, cũng nên nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 tuần qua: Chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.
Khi người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quan điểm nhất quán như vậy thì không có lý gì Bộ Tài chính cứ giữ khư khư các đề xuất tăng những loại sắc thuế đến mức vô lý để làm nguội lạnh niềm tin của DN.
Thế Vinh
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA Nhà nước đang thu “tiền sử dụng đất” một lần rất lớn, nhưng về lâu dài, nếu đã giao hết đất thì sẽ không còn nguồn thu ngân sách lớn này nữa, mà cần phải bổ sung, thay thế bằng thuế tài sản. Nhưng Hiệp hội nhận thấy việc xây dựng đề án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính “tiền sử dụng đất” để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”, theo hướng quy định “tiền sử dụng đất” là một sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”. Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế trưởng công ty tư vấn về quản lý kinh tế Economica Những đề xuất về các sắc thuế đang được thảo luận hoặc như đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có xu thế tăng đang cho thấy sự bất hợp lý, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tăng lên của DN hiện nay. Mức thuế mà DN đóng góp cho ngân sách cũng đang tăng lên nhưng không tương xứng với khả năng tạo ra lợi nhuận, khả năng tạo ra giá trị thặng dư của DN. Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) Những dự thảo chính sách tăng thuế liên tục đưa ra vô hình trung làm giảm niềm tin của DN. Điều này làm DN lúng túng và bối rối là liệu có nên đầu tư, mở rộng sản xuất hay không. Vậy khi cơ quan soạn thảo dự kiến đưa ra một sắc thuế nào đó thì nên tham khảo cộng đồng DN để chính sách thuế hợp lý, hài hòa giữa việc vừa đảm bảo nguồn thu vừa tạo được động lực khuyến khích DN phát triển. |