Là một doanh nghiệp (DN) nhỏ thuộc vào mảng nông nghiệp, chuyên sản xuất chế biến thực phẩm chay, khi được hỏi có gặp khó khăn gì khi vay vốn làm ăn hay không, ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Phương (Tp.HCM), đã không trả lời trực tiếp vào chuyện này và nhấn mạnh công ty phải nâng cao năng lực tự thân.
Tự thân vận động
Như lý giải của ông Trung, công ty chưa dám nghĩ ngợi nhiều đến nhu cầu về vay vốn để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất chế biến vì chủ trương của công ty là đi chậm, thăm dò thị trường. Nhất là khi dòng sản phẩm chay của công ty còn mới, vừa làm vừa xem thị trường chấp nhận tới đầu rồi mới tính tiếp chuyện vay vốn đầu tư.
Là DN nhỏ trong mảng nông nghiệp, lãnh đạo Công ty Rau hữu cơ Surifarm cho biết họ phải tự xoay xở dòng vốn tự có là chủ yếu, nên mong đầu ra sản phẩm được nhanh hơn. |
Còn theo ông Tô Huỳnh, thành viên lãnh đạo Công ty TNHH Rau hữu cơ Surifarm, với những DN đầu tư vào mảng nông nghiệp, đa phần đều chọn hướng đi lâu dài. Cho nên xét về nguồn vốn thì bản thân phải tự liệu được. Giống như bản thân công ty phải làm sao tự xoay xở được dòng vốn.
“Đối với với lĩnh vực mà chúng tôi đang làm là chế biến mì từ rau củ quả thì thật sự rất khó để chứng minh cho phía ngân hàng thấy là có hiệu quả hay không để được vay vốn. Chẳng hạn như khi công ty đi thu mua rau của nông dân để chế biến, để thuyết phục ngân hàng cũng rất khó”, ông Huỳnh nói.
Nhất là là trong lĩnh vực này rất hiếm khi ngân hàng cho vay tín chấp. Nếu DN muốn vay vốn đều phải có tài sản thế chấp. Cho nên, theo ông Huỳnh, đa phần các DN vừa và nhỏ trong mảng nông nghiệp phải sử dụng nguồn vốn tự có là chủ yếu, hoặc là những nguồn vốn khác không phải từ phía ngân hàng.
Chính vì tự thân vận động với dòng vốn mỏng, cho nên điều mong mỏi chính đáng của vị thành viên lãnh đạo Surifarm là rất cần các cơ quan quản lý nhanh nhạy trong chuyện cấp những giấy phép, những tiêu chuẩn khi mà DN đã đạt được yêu cầu.
Điều này nhằm giúp sản phẩm của DN dễ dàng lưu hành trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Khi giải quyết được đầu ra sản phẩm nhanh thì DN sẽ xoay chuyển được dòng vốn để tiếp tục tái đầu tư.
Chính vì lý do vốn mỏng nên tâm lý của không ít DN nông nghiệp là e ngại đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Qua trao đổi với VnBusiness, một số chủ DN cho biết một khi mạo hiểm đưa hàng vào chuỗi siêu thị thì lượng hàng tồn sẽ cao (bởi vì các siêu thị phải trữ một lượng hàng nhất định), trong khi DN sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường.
Trong khi đó, với nhiều loại nông sản thực phẩm đều có thời hạn sử dụng, nếu trong siêu thị bán chậm và trả lại cho DN thì phía DN sẽ rất khó khăn khi bán lại sản phẩm đó. Đây là bài toán đau đầu cho nhiều DN vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc xoay chuyển dòng vốn eo hẹp của họ.
Bao giờ gỡ “nút thắt” tài sản thế chấp?
Chính vì vậy mà nhiều công ty trong mảng nông nghiệp đã chọn kênh phân phối tại các chợ truyền thống và hệ thống đại lý vì đầu ra nhanh, không bị tồn hàng như trong siêu thị. Điều đó giúp DN xoay được nguồn vốn và xoay được nguồn nguyên liệu tốt hơn.
Bàn thêm về chuyện tiếp cận vốn vay, giới chuyên gia cho rằng điều này chủ yếu nằm ở mối quan hệ giữa DN với ngân hàng. Trong khi đó, có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ ở mảng nông nghiệp, nông sản thực phẩm đến nay vẫn không có khả năng tiếp cận vốn vay vì lý do là không có tài sản thế chấp.
Như lưu ý của ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.HCM (FFA), đây là vấn đề không hề giản đơn khi mà ngân hàng muốn cho vay thì họ phải đảm bảo thu hồi được dòng vốn của họ.
“Cũng khó có thể trách được là tại sao ngân hàng không cho tôi vay mà lại cho người khác vay. Muốn giải quyết được chuyện này đòi hỏi phải có sự bảo đảm của Nhà nước nhằm giúp cho các DN nhỏ, siêu nhỏ vay được vốn với điều kiện đầu vào đầu ra sản phẩm của họ ổn định và có chiều hướng tăng trưởng tốt”, ông Hiến nói.
Theo đó, các DN trong mảng nông nghiệp sản xuất với giá thành có thể chấp nhận được và đưa ra thị trường tiêu thụ được. Điều này tạo ra vòng chu chuyển từ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến cho đến phân phối, tiêu thụ ổn định.
Như thế, Nhà nước có thể đánh giá được để mà kêu gọi, đặt ra chính sách kêu gọi các ngân hàng thương mại xét vào mặt này để cho các DN nông nghiệp vay vốn đầu tư kinh doanh.
Còn nếu chỉ khăng khăng xét về mặt tài sản thế chấp thì khó có được nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực này có thể vay vốn được. Nhất là với những DN nhỏ rất khó để họ mua được đất đai, nhà xưởng mà đa phần là phải đi thuê, thậm chí ngay cả máy móc thiết bị họ cũng đi thuê.
Cho nên, câu hỏi đặt ra cho các DN nông nghiệp là cần làm gì để các ngân hàng thương mại an tâm khi cho vay? Đây là vấn đề rất cần sự vào cuộc hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước. Bởi lẽ, dù ít dù nhiều, một khi được ngân hàng cho vay, ít ra cũng tạo nên dòng tiền tốt cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Thế Vinh