Là doanh nghiệp (DN) đã nhiều năm xuất khẩu đồ nội thất vào thị trường EU, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (VIETS.Co), cho rằng các DN nhỏ và vừa hoàn toàn có đầy đủ cơ hội để đưa sản phẩm nội thất thâm nhập vào thị trường này.
Đáp ứng chứng chỉ, có năng lực phát triển sản phẩm
Nhưng để làm được điều đó, theo bà Quang, điều kiện tiên quyết là nhà máy của các DN phải xây dựng cho mình một nội lực về sản xuất. Bởi vì với thị trường EU rất khác biệt so với những thị trường khác. Câu hỏi đầu tiên mà các nhà mua hàng đặt ra là phía DN đã có những chứng chỉ gì. Nhất là những chứng chỉ rất đặc biệt và hàng đầu theo yêu cầu của thị trường EU về trách nhiệm xã hội, môi trường và sức khoẻ dành cho người lao động tạo ra sản phẩm đó.
Các DN nhỏ hãy tự tin khi đưa sản phẩm nội thất vào EU, quan trọng là đáp ứng những chứng chỉ, có năng lực phát triển sản phẩm và bản sắc riêng để đi vào thị trường ngách. |
“Trên thị trường EU hầu như toàn bộ 100% nhà phân phối, nhà mua hàng đều phải trong hệ thống tiêu dùng của người Châu Âu. Họ phải cam kết với người tiêu dùng về những tiêu chuẩn như vậy và họ buộc phải mua những sản phẩm từ các nhà máy đáp ứng được yêu cầu này”, bà Quang nhấn mạnh.
Trao đổi với VnBusiness bên lề buổi hội thảo tổ chức ở Tp.HCM mới đây bàn về triển vọng và xu hướng cho ngành trang trí nội - ngoại thất ở thị trường EU, vị giám đốc của VIETS.Co lưu ý với những nhà máy không có những chứng chỉ đó, cho dù sản phẩm có đẹp thì các nhà mua hàng của EU cũng không dám mua khi không đáp ứng được yêu cầu nêu trên.
Bởi lẽ những tiêu chí đó được phổ biến rộng rãi trên hệ thống của các nhà mua hàng Châu Âu. Chỉ cần nhà máy ở Việt Nam cung cấp mã số chứng nhận đó trên hệ thống thì những nhà mua hàng có thể xem được đặc điểm, đặc tính sản xuất, chất lượng sản xuất của nhà máy đó có đáp ứng được cho nhu cầu của Châu Âu hay không.
Không chỉ vậy, các DN nhỏ và vừa trong ngành nội thất cần để ý đến năng lực phát triển sản phẩm, về thiết kế, chất lượng sản phẩm hàng năm để có thể đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, xu hướng (trend) của người dân Châu Âu.
Đối với người tiêu dùng ở thị trường này, từ nhu cầu thẩm mỹ cho đến chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của họ về những chi tiết trên sản phẩm nội thất sẽ khó hơn so với những thị trường khác.
“Do đó, để bán đồ nội thất cho thị trường EU thì các nhà máy trong nước cần có sự học hỏi và đầu tư nhất định trong khâu phát triển về thiết kế và chất lượng sản phẩm”, bà Quang chia sẻ thêm.
Tự tin đi vào thị trường ngách
Những số liệu từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) cho thấy, sức tiêu thụ đồ nội thất ở EU là rất lớn, chiếm 1/4 tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Trong đó, riêng mảng đồ trang trí của thị trường này dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2022-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD.
Giới chuyên gia cho rằng, với những DN nhỏ trong ngành nội thất nếu muốn thâm nhập vào thị trường EU thì thực ra không quá khó cho bản thân họ. Bởi vì thị trường này không đánh mạnh về sản lượng như những tập đoàn phân phối lớn ở Mỹ.
Dĩ nhiên, bên cạnh đó ở EU có rất nhiều tập đoàn là những nhà mua hàng sỉ thì sản lượng đồ nội thất mà họ cần ở nhà máy là rất nhiều. Chẳng hạn mỗi năm họ có thể mua từ một nhà máy với một đơn hàng với khoảng 500 container. Tuy vậy, cũng có rất nhiều nhà mua hàng thuộc dạng những cửa hàng bán lẻ ở EU vẫn mua trực tiếp từ Việt Nam với trung bình 1 container/tháng.
Thực ra, việc đặt mua 500 container/năm hay 1 container/tháng thì yêu cầu đặt ra cho các nhà máy là vẫn như nhau nhằm đáp ứng yêu cầu chung của EU.
Cho nên, các DN nhỏ trong lĩnh vực này hãy tự tin khi đưa sản phẩm nội thất vào EU. Điều quan trọng là họ cần đầu tư nghiêm túc cho việc nâng cao quy mô sản xuất của mình, cũng như học hỏi về xu hướng phát triển của thị trường này để đưa ra những thiết kế cho phù hợp.
Riêng về quy chuẩn sản xuất, các DN nhỏ và vừa cũng cần để ý là không nhất thiết phải là một nhà xưởng rộng 5.000 - 10.000m2 và có 200 - 500 công nhân làm việc trong đó.
Trên thực tế, để xuất khẩu đồ nội thất sang EU, các DN nhỏ vẫn có thể đầu tư vào một nhà xưởng nhỏ với diện tích 200 - 300m2, với chỉ khoảng 10 công nhân trong đó. Tuy nhiên, ở trong đó, những yếu tố, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn về bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ chính sách lợi ích xã hội cho công nhân. Và những yếu tố này cũng không quá khó, không nằm ngoài tầm tay của DN.
Mặt khác, theo ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam, sự khác biệt, độc đáo riêng trong sản phẩm nội thất của mình có thể giúp cho các DN nhỏ tạo sự chú ý từ các nhà mua hàng của Châu Âu. Quan trọng là các DN cần truyền đạt những giá trị bền vững, thông tin chi tiết về kỹ thuật trong sản phẩm của mình thông qua tài liệu tiếp thị hoặc các kênh về marketing.
“Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các DN nhỏ càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ “đánh” vào một số đối tượng khách hàng nhất định”, ông Patrick Mui nói.
Thế Vinh