Theo Bộ KH&ĐT, chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI, đặc biệt là các tập đoàn quốc gia liên kết với DN trong nước, hình thành và phát triển cụm liên kết theo từng chuỗi giá trị. Điều đó có nghĩa, nếu năng lực tốt sẽ là thời cơ để các DN Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mong manh trình độ thấp
Nhìn lại thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn chưa phát huy được vai trò đáng lẽ phải đạt được trong điều kiện của một quốc gia đang dịch chuyển mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam.
Không những không đạt kỳ vọng về xuất khẩu trực tiếp mà ngay cả việc xuất khẩu gián tiếp thông qua cung ứng sản phẩm đầu vào cho khu vực FDI vẫn còn là một thách thức không nhỏ đối với DN trong nước. Điều này cho thấy ngành CNHT Việt Nam cần phải "đại giải phẫu" ngay từ bây giờ.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, cho biết một trong những vấn đề lớn nhất mà DN Nhật Bản tại Việt Nam gặp phải chính là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu – linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.
Chính vì vậy, các DN sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. Đây được coi là vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của CNHT Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, số lượng DN CNHT vẫn còn khá khiêm tốn, ước chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số DN đang hoạt động và 6,3% tổng số DN ngành sản xuất, chế tạo.
Số lượng đã ít, tỷ lệ DN CNHT trong nước lại càng ít hơn, ước chỉ chiếm khoảng 30% trong số các DN CNHT. Hầu hết DN CNHT là DN tư nhân, quy mô nhỏ, thiếu những DN quy mô lớn, có uy tín và chiến lược kinh doanh bài bản, dài hơi, có thương hiệu cũng như khả năng cạnh tranh với các DN lớn trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết các DN CNHT trong nước mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản có kích cỡ cồng kềnh với công nghệ sản xuất không phức tạp, cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ.
Nguyên nhân cơ bản là do các DN CNHT trong nước có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các DN CNHT FDI và so với trình độ công nghệ của DN CNHT các nước; năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng của DN FDI.
Một trong những điểm yếu nhất của DN CNHT trong nước là khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D). Do vậy, các DN CNHT trong nước thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và chính sách đặt hàng của các DN FDI chế tạo chính.
Không tự mình vươn lên, DN CNHT sẽ không thể tham gia "cuộc chơi" toàn cầu |
Không vươn lên sẽ "chầu rìa"
Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam), việc không khai thác được lợi thế của các nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh kết nối thị trường, trình độ quản lý và nguồn vốn tốt là một trong những vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam.
Trong đó, ông Du đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng R&D, đổi mới sáng tạo hạn chế nên các DN trong nước đã không thể kết nối hay trở thành các nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho các DN ĐTNN, nhất là các linh kiện hay công đoạn có hàm lượng chất xám cao.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, cho biết hiện nay, các DN FDI nói chung thường có yêu cầu rất cao về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được. Về bản chất, khó khăn này thuộc loại chủ quan, nếu DN Việt Nam không tự mình vươn lên thì sẽ không thể tham gia cuộc chơi được.
Ở đây tồn tại một mâu thuẫn thuộc loại "con gà và quả trứng". DN FDI muốn đặt hàng sẽ yêu cầu DN Việt Nam phải chứng minh được năng lực của mình, phải có công nghệ hiện đại, có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thậm chí phải có chứng chỉ về quản lý môi trường, về trách nhiệm xã hội…
Trong khi đó, DN Việt Nam hầu hết là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ lại muốn có đơn hàng chắc chắn, có đầu ra được đảm bảo thì mới dám vay vốn, mới dám đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc hiện đại (thiết bị chuyên dụng), tuyển dụng nhân lực trình độ cao…
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến quá trình cải cách hành chính nói chung ở Việt Nam, trước hết là cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính đột phá, vì thế vẫn còn là rào cản cho hoạt động của DN nói chung và tiến trình tham gia, mở rộng chuỗi cung ứng cho khu vực FDI nói riêng. Các DN CNHT khi có nhu cầu xây cất hoặc mở rộng nhà xưởng, kho bãi, vay vốn, làm thủ tục nhập khẩu vật tư thiết bị… vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, gần 97% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, 60% số DN này vẫn gặp khó khăn từ việc vay vốn.
Cùng với đó, theo ông Hironobu Kitagawa, phát triển CNHT đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này.
Một yếu tố nữa là hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho CNHT Việt Nam.
"Để cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của DN nước ngoài, DN Việt Nam cần lắng nghe ý kiến từ chính họ, qua đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó, Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả", ông Hironobu Kitagawa cho biết.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Để hiện thực hóa các định hướng phát triển CNHT cần điều chỉnh hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với các ngành CNHT ưu tiên, sản phẩm CNHT chiến lược, trong đó cần hướng tới việc áp dụng ưu đãi bình đẳng giữa DN CNHT trong nước và DN CNHT FDI. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu trong khu vực và toàn cầu, nhất là trước những thách thức thực hiện cam kết FTA, việc phát triển hệ thống CNHT đủ mạnh để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho DN FDI ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh không còn hàng rào bảo hộ cho các DN sản xuất trong nước như trước kia. Điều này đòi hỏi DN CNHT cần phải nỗ lực hơn mới có thể tận dụng được các cơ hội mới. Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam Một khi các DN FDI phát triển, cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cũng được mở rộng thêm nhiều. Ngược lại, khi các DN CNHT trong nước – thành phần chính làm nên các mắt xích của chuỗi cung ứng – lớn mạnh cũng là thêm một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. |