Chiều ngày 11/5, tại Hội thảo "Thương mại và Đầu tư Nhật Bản-Việt Nam: tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong nghịch cảnh", ông Tadahiro Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, Hiệp hội có thành viên là hơn 2.000 công ty Nhật Bản tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
![]() |
Quy định phòng cháy chữa cháy trong thời gian vừa qua đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. |
Trong những năm gần đây, trước nhu cầu cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng sôi động của Việt Nam, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào phát điện năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng sản xuất điện khác, cũng như phát triển đô thị như trung tâm mua sắm.
Có thể thấy từ kết quả khảo sát của JETRO và JBIC, Việt Nam là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới.
Đối với các công ty Nhật Bản, khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp có tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng, chẳng hạn như không thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Tadahiro Kinoshita ví dụ, đã có một vấn đề bất cập mà các doanh nghiệp vực sản xuất của Nhật Bản gặp phải liên quan tới việc thực hiện các quy định mới ban hành về phòng cháy chữa cháy, có những trường hợp nhà máy không thể đưa vào hoạt động mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và nhà kho do không xin được giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
"Đối với công ty xây dựng, dù là công ty xây dựng Nhật Bản hoặc một công ty xây dựng địa phương tại Việt Nam đều không thể bàn giao được công trình nên cũng không thể thu hồi chi phí xây dựng, còn chủ đầu tư là doanh nghiệp sản xuất cũng đánh mất cơ hội kinh doanh do sự chậm trễ trong việc đưa nhà máy vào hoạt động", ông nói.
Trong tương lai, vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đặt vấn đề, ai sẽ chịu chi phí xây dựng bổ sung để đáp ứng được các quy định mới về phòng cháy chữa cháy ngày càng trở nên nổi cộm.
Liên quan tới vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp về xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy phải phù hợp với thực tiễn, trình độ phát triển, mức độ sẵn sàng công nghệ vật liệu, thiết bị phòng cháy chữa cháy, năng lực của các tổ chức thẩm duyệt, kiểm định…
Về quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD), Phó Thủ tướng nhận định, QCVN 06:2022/BXD có thể áp dụng mọi nơi, mọi lúc đều đúng nhưng trong điều kiện cụ thể, đặc thù lại chưa phù hợp.
"Đây là vấn đề cần xem xét để gắn với thực tiễn tốt hơn theo mức độ nguy cơ cháy nổ của loại hình, quy mô công trình, thiết bị… Chúng ta linh hoạt trong quá trình thiết kế quy chuẩn bảo đảm tính khả thi nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, không hợp thức hóa sai phạm", Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu.
Thy Lê