Từ đầu năm đến nay đã xảy ra không ít vụ cháy như cháy nhà trọ, cháy chợ truyền thống và gần đây nhất là cháy lâu đài ở Quảng Ninh đã cướp đi sinh mạng của nữ chủ nhà. Dù nguyên nhân là do đâu thì hậu quả mà các vụ cháy này để lại vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người.
Nhiều trở ngại cản trở đầu tư PCCC
Ngày nay, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đi liền với đó là nhu cầu nhà ở, kinh doanh ngày càng cao. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 3.335 nhà cao từ 10-29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên với nhiều loại hình đa dạng như: chung cư, văn phòng, khách sạn, nhà trẻ, lớp học, trung tâm thương mại, gara… Đó là chưa kể các nhà cao tầng của người dân xây dựng với mục đích chính là để ở.
Nhà cao tầng nhiều và sử dụng với các mục đích khác nhau nhưng công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại chưa được chủ nhà, chủ đầu tư và người dân quan tâm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, 21 vụ nổ. Trong đó có 173 vụ cháy nhà dân; 84 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; 64 vụ cháy phương tiện giao thông; 36 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; 9 vụ cháy chung cư; 8 vụ cháy trụ sở làm việc…
Có thể thấy, cháy nổ có thể xảy ra ở bất kỳ công trình xây dựng nào nhưng phần lớn vẫn là ở nhà dân. Và không chỉ các ngôi nhà có chi phí xây dựng thấp mà ngay cả các tòa nhà cao tầng, các ngôi biệt thự với chi phí lớn nhưng các chủ đầu tư lại ít chú ý đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn người dân cho rằng chi phí đầu tư một hệ thống báo cháy, chữa cháy thông thường rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc lớn hơn tùy vào diện tích và mục đích sử dụng của từng căn nhà, tòa nhà.
Lâu đài trăm tỷ ở Quảng Ninh sau khi ngành chức năng hoàn thiện công tác dập lửa (Nguồn: Int) |
Chi phí lớn trong khi nhu cầu sử dụng ít hoặc có thể không bao giờ sử dụng nên nhiều người dân vẫn chủ quan, nhắm mắt bỏ qua việc đầu tư các thiết bị, hệ thống PCCC cho ngôi nhà của mình. Thay vào đó, họ chỉ quan tâm làm sao để hoàn thành nhanh hơn, chi phí tiết kiệm hơn, căn hộ đẹp hơn… Điều này vô tình tạo sức ép khiến các kiến trúc sư, nhà thầu thiết bị phòng và chữa cháy không có cơ hội để tiếp cận khách hàng.
Còn đối với toà nhà cao tầng, chung cư, chợ truyền thống…, không ít chủ đầu tư, nhà quản lý hiện cũng chỉ quan tâm đến đầu tư hệ thống PCCC ở bước đầu như lập hồ sơ thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu mà chưa quan tâm đúng mức đến việc vận hành, bảo bảo trì. Chính vì vậy mà hiệu quả phòng chống cháy nổ vẫn chưa cao, thiệt hại về người và của vẫn xảy ra hàng năm.
Ngoài các nguyên nhân trên, hiện nay, các luật về phòng chống cháy nổ ở Việt Nam tuy đã được ban hành nhưng lại chưa có những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về trạm bơm nước chữa cháy với từng loại công trình. Chính vì vậy mà việc đầu tư xây dựng trạm bơm vẫn mang tính “ước lệ tượng trưng”, không bảo đảm điều kiện hoạt động, trong khi nước là một thành phần vô cùng quan trọng của công tác PCCC.
Đừng tiếc nhỏ mà mất lớn
Dự báo tốc độ đô thị hóa và nhu cầu về nhà ở ngày càng cao thì tình hình cháy nổ sẽ tiếp tục có chiều hướng phức tạp. Các vụ cháy nổ ngày càng đa dạng từ công trình chợ, quán karaoke, kiot bán hàng, nhà ở và đặc biệt là nhà ở cao tầng. Nên nếu chú trọng, quan tâm lắp đặt và vận hành hệ thống PCCC phù hợp sẽ hạn chế những thiệt hại về kinh tế và con người.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nếu đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC phù hợp và đảm bảo chất lượng, hệ thống này sẽ hoạt động 24/24h. Khi phát hiện các dấu hiệu cháy như khí gas, có khói, lửa, nhiệt độ tăng cao đột ngột, hệ thống này sẽ phát tín hiệu, báo cho con người biết để ngăn chặn kịp thời sự cố cháy nổ.
Tuy nhiên hiện nay, các loại thiết bị PCCC đang được bán tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, những sản phẩm có giá thấp lại đang thu hút số lượng người mua lớn. Chẳng hạn như các loại mặt nạ chống cháy, bình chữa cháy dạng bột, quần áo chống cháy, dây thoát hiểm…
Theo thống kê, cả nước hiện có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 94.900 ha, 18 khu kinh tế ven biển, 21 khu kinh tế cửa khẩu; khoảng trên 550.000 doanh nghiệp, trên 21.000 HTX và 61 liên hiệp HTX, khoảng 4,65 triệu hộ kinh doanh cá thể, trên 262.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Theo ngành chức năng, việc đầu tư các thiết bị trên là cần thiết nhưng đó mới chỉ là đầu tư nhỏ lẻ, chưa đồng bộ nên hiệu quả phòng và chữa cháy chưa cao. Việc đầu tư cần mang tính dài hơi, toàn diện từ khi bắt đầu lên kế hoạch xây dựng đến khi đưa vào hoạt động, sử dụng.
Bên cạnh đó, mới chỉ có một số nhà máy, nhà kho, công trình công cộng, khu chung cư, bệnh viện… phải bắt buộc có hệ thống PCCC theo quy định của pháp luật mới được đi vào hoạt động. Vẫn còn đó các ngôi nhà dân dụng, toà lâu đài, chung cư, chợ… hiện vẫn không có thiết bị phòng chống cháy nổ bởi rào cản chi phí.
Chia sẻ của một số chủ đầu tư cho thấy tùy vào từng loại hình công trình và loại thiết bị mà giá lắp đặt hệ thống PCCC dao động khoảng 16-36 nghìn đồng/m2. Đối với người dân và doanh nghiệp, chi phí này là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, nhìn vào thiệt hại mà các vụ cháy nổ gây ra cho thấy, việc đầu tư cho hệ thống phòng chống cháy nổ tuy tốn nhiều chi phí nhưng hoàn toàn xứng đáng. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy đã làm làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng và khoảng 3.670 ha rừng.
Để nhiều người dân, chủ đầu tư quan tâm đầu tư cho hệ thống PCCC hơn nữa, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm công trình vi phạm phòng chống cháy nổ, việc đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị phòng chống cháy nổ vào thực tiễn là điều cần thiết, nhằm nâng cao từ nhận thức, công nghệ đến chi phí. Bởi hiện nay, đa số các thiết bị PCCC đều phải nhập khẩu nên gia tăng chi phí và tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng lộng hành.
Ngoài ra, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện hệ thống các văn bản của Việt Nam đã được ban hành rất đầy đủ để thiết kế công trình đảm bảo phòng cháy và chữa cháy như Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD; 37 Tiêu chuẩn TCVN quy định về việc PCCC cho nhà và các công trình với các quy định về vật liệu xây dựng, trang thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ trong công trình…
Tuy nhiên, cần bổ sung và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm bơm nước chữa cháy để việc triển khai trong thực tiễn được thuận lợi, tránh để kẽ hở cho các chủ đầu tư lợi dụng, không đáp ứng các yêu cầu về PCCC.
Tùng Lâm