Một cuộc khảo sát gần đây từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy số doanh nghiệp (DN) không biết hoặc không biết gì sâu về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm tới 74% đối với DN siêu nhỏ, và lần lượt là 72%, 65% và 50% đối với DN quy mô nhỏ, vừa và lớn.
Khó tiếp cận thông tin?
Việc các DN vừa và nhỏ không biết hoặc không có nhiều thông tin về hội nhập rõ ràng là điều đáng báo động hiện nay. Chưa kể, khối DN này đang được đánh giá là khó dự đoán khả năng thực thi chính sách hơn.
Theo đó, qua khảo sát của VCCI thì chỉ có 11% DN siêu nhỏ, 12% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa cho biết họ có thể dự đoán được những thay đổi trong các quy định pháp luật của Trung ương ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Chưa hết, hiện tại các DN vừa và nhỏ (DNVVN) cũng phản ánh là họ khó tiếp cận thông tin về pháp luật, chính sách hơn. Tỷ lệ DNNVV cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin hầu hết đều cao hơn các DN quy mô lớn.
Tỷ lệ các DN than phiền là họ cần mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu là rất cao, bất kể quy mô của DN. Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.
Mặt khác, 56% DN siêu nhỏ, 52% DN nhỏ và 45% DN quy mô vừa cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, con số này ở các DN quy mô lớn là 44%.
Trước kết quả khảo sát như vậy, giới chuyên gia nhận định trong một môi trường kinh doanh khó đoán định về việc thay đổi hay thực thi chính sách, hoạt động của DN Việt trên thị trường quốc tế lẫn nội địa rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro hơn.
Điều này có thể thấy rõ ở trường hợp cụ thể như vấn đề xuất khẩu (XK) hương từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đang gặp trắc trở do Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ từ cuối tháng 8/2019 đã ra Thông báo số 15/2015-2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương và các chế phẩm (mã HS 33074100 và 33074900) từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”.
Về nguyên nhân khách quan là do phía Ấn Độ đột ngột thay đổi chính sách và có hiệu lực ngay giống như việc cấm nhập khẩu hương. Nhưng, cần phải thấy về mặt chủ quan là các DN của Việt Nam không chịu lường trước những thông tin rủi ro ở thị trường còn nặng tính bảo hộ này, dẫn đến hoàn toàn bị động khi chính sách ở thị trường XK thay đổi.
![]() |
XK nông sản dễ gặp rủi ro nếu DN chậm cập nhật thông tin mới |
Rơi vào thế bị động
Hệ luỵ là hơn 100 DN Việt sản xuất hương XK hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Ấn Độ đang đứng trên “bờ vực thẳm”. Theo thống kê sơ bộ của các DN, căn cứ các hợp đồng đã ký trước 31/8/2019, có hơn 300 container hàng của các DN Việt Nam đang dưới dạng hàng tồn kho, một số container hàng hương của Việt Nam đang mắc tại cảng của Ấn Độ.
Ngay như xu hướng XK qua kênh thương mại điện tử cũng là mặt hạn chế của DN Việt do thiếu nắm bắt thông tin và thiếu kiến thức. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Trang, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Innovative Hub, có nhiều DN thiếu kiến thức thông tin về xuất nhập khẩu, thiếu kiến thức về thanh toán quốc tế, về bao bì đóng gói sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu XK trực tuyến.
Có thể nói, vì bản thân nhiều DN lơ là nắm bắt nên hoạt động XK của họ thường rơi vào thế bị động, gặp rủi ro cao do không đánh giá trước thị trường hoặc do có năng lực dự báo yếu về thị trường XK.
Trong khi đó, nếu như DN XK chủ động nắm bắt thông tin mới hoặc có sự đầu tư bài bản trong việc tìm hiểu thị trường XK thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được rủi ro và tăng thêm cơ hội XK.
Chẳng hạn như việc tìm hướng XK gạo Việt vào các chợ ở Mỹ, như chia sẻ sau chuyến đi khảo sát thị trường mới đây của ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc công ty TNHH Cỏ Mai (Đồng Tháp). Đó là việc đi thực tế thị trường Mỹ, từ Toronto tới New York, đã giúp nắm bắt được khá nhiều thông tin bổ ích, học được bài học về chọn lựa phân khúc và định vị thương hiệu.
Không những vậy, khi sang Mỹ tìm hiểu thị trường, ông Thiện còn phấn khởi khi tìm đối tác chiến lược để phân phối gạo ổn định lâu dài.
Trên thực tế, có nhiều DN Việt rất muốn XK thì lại bị động, mù mờ về thị trường XK. Đặc biệt là với các chủ DN nhỏ vốn ngại di chuyển đi thực tế tìm hiểu thị trường và chỉ ngồi ở nhà tìm hiểu thông tin thị trường qua mạng Internet vốn dĩ không phải lúc nào cũng đầy đủ và cập nhật tốt nhất.
Để cải thiện việc tiếp cận thông tin mới, chính sách mới cho DN, theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI tại Tp.HCM, điều quan trọng là cần nâng cao hiệu quả công tác thông tin về chính sách, pháp luật liên quan tới các DNNVV qua việc cập nhật thông tin liên tục trên các website của tỉnh, thành.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, các DN cũng cần liên kết lại để nắm bắt thông tin mới được tốt hơn. Nhất là các DN cần chủ động liên kết, tham gia cộng đồng doanh nhân thì sẽ có cơ hội tiếp cận các thông tin mới để phục vụ cho hoạt động XK.
Thế Vinh