Mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam đã phải gửi công thư cho Bộ Công Thương Ấn Độ thể hiện quan ngại và phản đối việc thay đổi chính sách nhập khẩu (NK) hương của Ấn Độ đang làm khó doanh nghiệp (DN) Việt, kết hợp đề nghị phía Ấn Độ trước mắt không yêu cầu giấy phép NK đối với các lô hàng hương từ Việt Nam đã ký hợp đồng bán trước ngày 31/8/2019.
Lao đao vì chính sách nhập khẩu
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Ấn Độ xem xét tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép NK trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm vào tháng 9 và 10/2019 và về lâu dài hủy bỏ biện pháp quản lý NK nói trên.
Được biết, cả nước hiện có hơn 100 DN với khoảng 2,5 vạn lao động nông thôn cung cấp nguyên liệu tăm tre, keo, mùn cưa, bột than củi... hoặc trực tiếp sản xuất, gia công loại hương này.
Tính trung bình, mỗi tháng các DN Việt Nam xuất khẩu (XK) khoảng 300 container hàng hương sang thị trường Ấn Độ, kim ngạch năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD.
Tuy nhiên, việc hạn chế NK hương của Ấn Độ theo thông báo trước đó khiến cho hoạt động XK của các DN ngay lập tức bị dừng lại. Các DN đã phải ngừng vận chuyển công hàng theo hợp đồng.
Trong khi đó, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động XK hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của nước này trong tháng 10. Do đó, các DN Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính và nguyên vật liệu để sản xuất hàng.
Lượng hàng tồn kho rất lớn, không XK đi nước khác được do không có thị trường XK thay thế. Nhà xưởng phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới DN và việc làm, đời sống của hàng nghìn công nhân.
Qua tìm hiểu được biết nguyên nhân của việc áp dụng hạn chế NK của Ấn Độ đối với hương có thể xuất phát từ việc giá thành hương của Việt Nam quá rẻ (giá CIF 600 - 650 USD/ tấn) so với giá sản phẩm của Ấn Độ, làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất hương trong nước, khiến nhiều DN Ấn Độ phải đóng cửa trong thời gian vừa qua.
Theo nhận định của giới chuyên gia, với các nước NK nông sản của Việt Nam như trường hợp của Ấn Độ đều có xu hướng gia tăng bảo hộ hàng hóa thông qua việc điều chỉnh chính sách NK hoặc thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Vấn đề đặt ra là các DN Việt cần tránh bị động trước những tình huống này nếu không muốn những rủi ro có thể xảy đến đối với DN của mình. Đặc biệt là khi Ấn Độ dù đã và đang tham gia một số hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn còn những điểm bảo thủ về chủ nghĩa khu vực.
![]() |
XK nông sản vào Ấn Độ gặp không ít trở ngại |
Cần có cảnh báo sớm
Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 8/2015- 2020 về việc điều chỉnh/sửa đổi điều kiện NK đối với mặt hàng hạt điều (gồm cả hạt điều vỡ và hạt điều nguyên).
Nguyên nhân là bởi nhiều hiệp hội, nhà máy sản xuất và chế biến điều ở Ấn Độ đã liên tục đề nghị chính phủ có biện pháp hạn chế và kiểm soát hạt điều nhân NK.
Thậm chí, một số nhà sản xuất hạt điều Ấn Độ còn cho rằng hạt điều nhân giá rẻ, chất lượng thấp của Việt Nam đã xâm nhập thị trường nội địa của họ gây biến động về giá. Một số thương nhân Ấn Độ đã NK hạt điều nhân Việt Nam, rồi chế biến qua loa hoặc thay đổi nhãn mác để tái xuất, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu hạt điều Ấn Độ trên thị trường thế giới.
Động thái này cũng cho thấy sự bảo hộ của chính phủ Ấn Độ nhằm khôi phục và hỗ trợ cho ngành điều trong nước vốn đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trong những năm gần đây. Với mức giá NK tối thiểu (MIP) mới, cộng với mức thuế NK 45% sẽ gây khó khăn cho hoạt động XK hạt điều nhân của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã lưu ý các DN Việt cần ghi nhận một số hoạt động bảo hộ của Ấn Độ để có những đối sách trong chính sách thương mại.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thông báo tới cộng đồng các DN XK điều biết về quy định mới này của chính phủ Ấn Độ, chủ động có biện pháp hỗ trợ và nâng cao năng lực của ngành điều Việt Nam trong bối cảnh đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ - một trong những nước XK hạt điều lớn nhất thế giới.
Điều đáng chú ý, hồi tháng 8 vừa qua, tại một hội nghị xúc tiến giao thương giữa các DN Ấn Độ với DN Việt ở Tp.HCM, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang có những lợi thế lớn để XK hàng hoá sang Ấn Độ khi tận dụng Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) mà Việt Nam đang tham gia.
Có thể thấy, với việc XK vào thị trường Ấn Độ vốn còn nặng chủ nghĩa bảo hộ, điều cần làm với các DN Việt trong lúc này là thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Về phía cơ quan quản lý và các hiệp hội DN cũng nên nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng XK sang Ấn Độ có nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại hoặc những thay đổi về chính sách NK, nhằm tránh những thiệt hại cho DN.
Thế Vinh